Cuộc chiến thương mại của Mỹ khiến EU “gặp nguy” với Brexit không thỏa thuận

06:00' - 14/08/2019
BNEWS Liên minh châu Âu được cho là đang nắm giữ lợi thế so với Anh trong cuộc đua xem bên nào chịu thiệt hại nhiều hơn trong trường hợp tiến trình Brexit diễn ra mà không có thỏa thuận.
Cờ Anh (trái) và cờ EU được treo trên một tòa nhà. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, giới phân tích tại Anh và châu Âu lại cho rằng EU thực ra cũng đang đối mặt với những nguy cơ chồng chất nếu bị đẩy vào một cuộc đối đầu thương mại với Anh, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm và xu hướng suy thoái của ngành công nghiệp đe dọa lan nhanh và phá vỡ các biện pháp phòng vệ tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). 

Thậm chí, có người đã ví nếu bị đẩy vào thế buộc phải “phong tỏa thương mại” với Anh sau ngày 31/10/2019 vì không có thỏa thuận Brexit – và qua đó đe dọa nguồn thặng dư thương mại lớn nhất của khối này (trị giá khoảng 95 tỉ bảng Anh) – thì EU sẽ chẳng khác nào ở trong tình trạng “trên đe dưới búa”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nóng lên trở lại đã đảo lộn hoàn toàn mọi tính toán cứng rắn của EU, và đe dọa đẩy nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào một loạt những khó khăn đồng loạt. Nếu Trung Quốc không thể xuất sang Mỹ, hàng hóa của nước này sẽ chuyển hướng sau châu Âu cũng như các khu vực, với quy mô đủ lớn để làm thay đổi hệ thống thương mại quốc tế hiện tại.

Đồng NDT giảm giá so với USD trước áp lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều này cũng có nghĩa là đồng NDT suy yếu với các đồng tiền khác trên toàn thế giới, và qua đó gây ra một làn sóng giảm phát lan ra khắp nơi. Điều này xảy ra trong bối cảnh toàn bộ thị trường trái phiếu của Đức đang giao dịch với mức lãi suất âm, và tình trạng lãi suất trái phiếu toàn cầu đảo ngược đang báo hiệu xu hướng suy thoái đang “di căn” vào cuối năm nay. 

Diễn biến trên cũng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn phương án chấp nhận không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bắc Kinh đã kết luận rằng mục tiêu thực sự của Mỹ là bóp nghẹt nền công nghệ của Trung Quốc, và kiềm chế sự trỗi dậy của một đối thủ siêu cường. Điều này đã bộc lộ rõ khi báo cáo an ninh quốc gia của Mỹ gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược đang tìm cách làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ”.

Thế giới đang chứng kiến triển vọng Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc, báo hiệu dấu chấm hết của một mối quan hệ song phương trị giá 1.000 tỷ USD và sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng toàn cầu được xây dựng trong một phần tư thế kỷ vừa qua. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh. 

Trong cuộc chiến này châu Âu sẽ là nạn nhân “vạ lây” lớn nhất. Eurozone sẽ sớm phải trả giá – mà có lẽ là đã và đang trả giá – cho mô hình kinh tế hội nhập quá sâu vào chu kỳ thương mại toàn cầu và phụ thuộc vào tiêu dùng của thế giới để bù đắp lại sự bất lực trong việc tạo ra nguồn cầu tự thân. Ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB, cho rằng cuộc suy thoái trong ngành sản xuất của khu vực Eurozone “đang ngày một trầm trọng hơn”. 

Sản lượng công nghiệp của Đức đã tiếp tục giảm 1,5% trong tháng Sáu và đã giảm 5% trong cả năm qua. Có nhà phân tích đã gọi báo cáo cáo công nghiệp hiện tại của châu Âu là “thảm họa” trong khi triển vọng sắp tới cũng không hề sáng sủa hơn. Các chỉ số về kế hoạch sản xuất trong 3 tháng tới của châu Âu đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2012. 

Các công ty châu Âu đang mắc kẹt giữa “hai làn đạn” của Mỹ và Trung Quốc. Các công ty ô tô của Đức sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu cho Trung Quốc tại các nhà máy của Mỹ. Ước tính hãng BMW xuất sang Trung Quốc 85.000 xe sản xuất tại Mỹ. Mercedes xuất khoảng 65.000 xe.

Những món hàng này giờ đang trở thành đối tượng bị đánh thuế trả đũa từ phía Trung Quốc. Đây là lý do chính khiến hãng xe hơi Daimler phải ra bốn cảnh báo về lợi nhuận trong năm qua. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tạo thêm một cơn “sốc điện” đẩy ngành công nghiệp của châu Âu vào tình cảnh “tê liệt”.

Đó là chưa kể triển vọng Tổng thống Donald Trump chuyển hướng tấn công sang khu vực đồng euro, đối tượng “thao túng tiền tệ” số một trong con mắt của cố vấn thương mại cho Tổng thống Mỹ là Peter Navarro. Tổng thống Mỹ có lẽ không hề nói đùa khi tuyên bố với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông sẽ không dừng lại đến chừng nào Đại lộ 5 sạch bóng xe của BMW và Mercedes.

Câu trả lời sẽ rõ ràng vào tháng 11 tới khi Mỹ quyết định có áp thuế với xe ô tô của châu Âu hay không, trên cơ sở an ninh quốc gia. Mỹ đã thể hiện rõ quan điểm sẽ không “thương mại" EU, nếu khối này không mở cửa đối với hàng nông nghiệp Mỹ, chưa kể các công ty châu Âu còn đang đối mặt với án phạt từ Mỹ vì dính dáng đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga. 

Ngần ấy khó khăn sẽ là quá nhiều đối với châu Âu, trong bối cảnh khối này đã “đặt một chân” vào tình cảnh giảm phát. ECB không còn nhiều vũ khí tiền tệ khi lãi suất đã ở mức -0,4%. Kênh kích thích chủ yếu mà ECB có thể dùng đến là giữ tỷ giá ở mức yếu hơn, mà điều này chắc chắn lại càng không được Mỹ chấp nhận.

Cơ chế phòng vệ duy nhất của châu Âu sẽ là các gói kích thích tài khóa mới “New Deal”, nhưng ngay cả điều này cũng không khả thi do cơ cấu cứng nhắc về luật pháp và ý thức hệ của khối này, cụ thể là Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng và cơ chế ràng buộc tài khóa. 

Châu Âu có lẽ không làm được gì đối với Mỹ, Trung Quốc và xu hướng chững lại của kinh tế toàn cầu, nhưng ít nhất họ cũng có thể tránh bớt được một cú sốc không cần thiết mang tên Brexit. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo EU dường như đang lựa chọn hướng “thiêu thân liều mình” với Brexit không thỏa thuận để thỏa mãn “sĩ diện” của mình. Ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích cách thức cứng rắn không cần thiết của Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier, đặc biệt là tại Đức.

Ông Gabriel Felbermayr, Chủ tịch Viện Kiel về Kinh tế Thế giới, cho rằng chiến lược ép Anh phải hoàn thành việc “ly hôn” trước khi bàn thỏa thuận thương mại là một sai lầm nghiêm trọng và đã dẫn đến tình trạng bế tắc hiện tại. 

Theo chuyên gia này, EU cần phải suy nghĩ một cách xa hơn về chiến lược, và từ bỏ những “giáo điều” trong quan niệm của mình bằng cách đồng ý cho Anh, cũng như Thụy Sỹ, khả năng tiếp cận và hội nhập kinh tế cao nhất có thể không đi kèm với những ràng buộc về chính trị.

Các nguy cơ kinh tế đối với châu Âu lúc này đã đến mức độ quá trầm trọng và một cuộc đối đầu – không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh được – với Anh đang đe dọa phá hoại cả nền tảng kinh tế mà EU cố tìm cách bảo vệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục