Cuộc ganh đua nhằm tạo dựng khuôn khổ RCEP

14:11' - 24/03/2017
BNEWS Cuộc ganh đua nhằm tạo dựng khuôn khổ của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang tăng tốc, khi Trung Quốc và Nhật Bản có cách nhìn khác nhau về thỏa thuận thương mại này.
Vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 11 được nhóm họp tại Brunei ngày 15/2. Ảnh: TTXVN

Tờ Financial Times nhận định Trung Quốc đang thúc đẩy đàm phán RCEP một cách nhanh chóng. Có ý kiến đánh giá rằng đây là một thỏa thuận thương mại “chất lượng thấp", do các điều khoản chỉ tập trung vào việc giảm thuế giữa các nước trong ASEAN và các nước láng giềng của khối.

Trong khi đó, các quan chức Nhật Bản và ASEAN lại cho rằng RCEP không nên để cho Trung Quốc dẫn dắt. Các nước này cho rằng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bắc Kinh muốn đóng vai như người bảo vệ cho tự do thương mại toàn cầu.

Nhật Bản và Australia muốn có một thỏa thuận thương mại "chất lượng cao" bao gồm cả các lĩnh vực như dịch vụ - đầu tư, và vẫn nuôi hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại với TPP.

Những quan điểm trái ngược trên đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới và khiến các chuỗi cung ứng của khu vực này trở nên cạnh tranh hơn.

TPP trải dài Thái Bình Dương từ Mỹ đến Australia, Nhật Bản và Việt Nam, còn RCEP chỉ xây dựng trên những thỏa thuận thương mại đang có giữa 10 nước ASEAN với 6 nước láng giềng gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand  và Ấn Độ.

Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận RCEP sớm vào cuối năm 2017, nhưng Nhật Bản và Australia thì không muốn vội vàng như vậy. Cả hai bên đều đang ra sức thuyết phục lôi kéo các nước ASEAN, đặc biệt là Philippines - nước sẽ giữ ghế chủ tịch năm nay, và Indonesia - nước đứng ra tổ chức các cuộc hội đàm.

Nếu như các nước ASEAN đưa ra quyết định của mình, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phải đi theo hướng của ASEAN để đạt được thỏa thuận.

Xét trên khía cạnh khác, sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP cũng là một câu hỏi lớn, do New Delhi có những mối quan tâm khác nhau đối với các nước tham gia RCEP.

Chẳng hạn như Ấn Độ có thể miễn cưỡng để cho các nhà sản xuất Trung Quốc có được những điều khoản nhập khẩu giống như các nước ASEAN áp dụng cho Trung Quốc, để nhắm tới những cơ hội tăng cường thương mại dịch vụ tại các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, nếu như thỏa thuận RCEP đạt được, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể có những lợi thế hơn để tiến vào thị trường ô tô của Việt Nam, và đó cũng là điều mà Mỹ từng nhắm tới khi tham gia TPP. Trong kịch bản này, Nhật Bản và Australia hy vọng các công ty của Mỹ có thể tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump để Mỹ cân nhắc và quay trở lại với TPP.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế tthuộc IHS Global Insight tại Singapore, cho rằng mặc dù đứng về phương diện chính trị thì RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.

>>> Malaysia, New Zealand thúc đẩy RCEP khi Mỹ rút khỏi TPP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục