Cuộc chiến án phạt của Mỹ nhằm vào Nga

07:24' - 22/08/2018
BNEWS Phóng viên báo Kommersant (Nga) mới đây đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia hàng đầu của Nga và quốc tế để bàn về mối quan hệ Nga-Mỹ cũng như "cuộc chiến án phạt" mà Mỹ áp dụng đối với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc gặp ở Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba câu hỏi được đặt ra là: Thực chất án phạt là gì? Điện Kremlin sẽ đáp trả ra sao? Hậu quả của "cuộc chiến án phạt" đối với Nga và thế giới?

Theo giới chuyên gia, "cuộc chiến án phạt" mà Mỹ nhằm vào Nga hiện nay nhuốm màu sắc chính trị, song khả năng đáp trả của Nga là có hạn và Moskva khó có thể đưa ra những biện pháp đáp trả “tương xứng”. 

Theo Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại và Quốc phòng Nga Fedor Lukianov, thực chất "cuộc chiến án phạt" là cuộc “phản công” của Nhà Trắng trước việc phe Dân chủ công kích Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng muốn chứng tỏ rằng chính họ, chứ không phải Quốc hội, đang điều khiển “cuộc chiến án phạt” nhằm vào Nga. 

Kết quả là tất cả các biện pháp trừng phạt đều được thông qua theo nguyên tắc cạnh tranh. Ở đây, logic đối nội đã thắng đối ngoại, song không bên nào nghĩ đến hậu quả mà các "án phạt" gây ra cho mối quan hệ (của Mỹ) với Nga.

Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề đối ngoại Andrey Kortunov cũng cho rằng "cuộc chiến án phạt" này không chỉ là cuộc chiến giữa Moskva và Washington, mà còn là cuộc chiến giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol. 

Nhà Trắng theo đuổi 3 mục đích: “cướp cờ” của Quốc hội, chứng tỏ quyết tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ và tăng thêm "quân bài" thương lượng với Điện Kremlin.

Robert English, Giáo sư Đại học Nam California (Mỹ), chỉ ra rằng trong cuộc chiến giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol, Nhà Trắng - vốn có thái độ mềm mỏng hơn với Nga - đã cố gắng hành động trước để tránh cho Nga những án phạt nặng nề hơn mà Quốc hội Mỹ đã soạn thảo sẵn. 

Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị của Câu lạc bộ Valdai Yousef Sheriff (Tuynidi) giải thích: "Tổng thống Trump muốn 'dọa' Nga để Nga xao nhãng khỏi vấn đề Iran vào thời điểm Washington đang gây sức ép lên Tehran".

Đa số các nhà quan sát cho rằng khả năng đáp trả của Nga là có hạn. Theo Lukianov, các biện pháp được nhắc đến như ngừng cung cấp động cơ tên lửa, titan... tuy gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ, song cũng sẽ giáng đòn tài chính vào ngân sách Nga, và trong dài hạn còn dẫn đến việc Nga mất thị trường quan trọng ở châu Mỹ.

Phó Giáo sư phân tích ứng dụng Khoa Chính trị học của Học viện Ngoại giao Nga Andrey Bezrukov cho rằng bất kỳ biện pháp đáp trả nào của Nga cũng sẽ bị xem là động thái thù địch và càng khiến cho mong muốn trừng phạt Nga (của Mỹ) mạnh mẽ hơn. Do đó, tốt nhất Điện Kremlin nên bắt đầu thay đổi hệ thống trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính thế giới nói chung.

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi, đó là nhận định nổi bật hiện nay. Giám đốc chương trình của Câu lạc bộ Valdai Andrey Sushentsov cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua giữa nguyên thủ hai nước đã cho hiệu ứng ngược, khiến giới có ảnh hưởng tại Mỹ càng chống lại ông Donald Trump. 

Giờ đây, nếu hai bên tăng cường áp dụng án phạt mới, quan hệ song phương sẽ bước vào giai đoạn leo thang mới và có nguy cơ dẫn đến cuộc khủng hoảng tương tự như khủng hoảng Caribe. Hiện giờ, Nga nên dồn lực đầu tư cho quan hệ với giới có ảnh hưởng Mỹ, tuy nhiên, Nga lại chưa bao giờ đặt ra nhiệm vụ này.

Andrey Kortunov lo ngại về 2 điều: Thứ nhất, án phạt đang trở thành một trong những công cụ chính của chính sách đối ngoại Mỹ, thay thế cho ngoại giao. Có nghĩa là trong tương lai không xa, đất nước mạnh nhất thế giới sẽ không còn năng lực tiến hành chính sách đối ngoại nhất quán, hay ít nhất là có dự báo. Thứ hai, đối với nước Nga, án phạt là tín hiệu cho thấy nếu Nga không đạt được bước đột phá về kinh tế, nước này sẽ vẫn dễ tổn thương trước sức ép từ bên ngoài.

Giáo sư Anton Fediashin của Đại học Mỹ (Washington) cho rằng gói trừng phạt mới cũng gây khó khăn cả cho Mỹ vì không chắc các nước châu Âu có cùng Mỹ tham gia án phạt Nga hay không. Thứ hai, việc sử dụng án phạt đối với bất kỳ nước nào trái ý Washington, dù có lý do hay không, cũng sẽ khiến các đồng minh chống lại Mỹ, ví dụ như trường hợp châu Âu đã không tuân theo án phạt của Mỹ đối với Iran. Điều này khiến ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ đi xuống.

Chuyên gia Lukianov cho rằng quan hệ Nga-Mỹ đang ở vào tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử vì hai nước khó đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào. Theo ông, thời gian hiện nay chính là thời chiến - cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế và chính trị - và thời chiến là thời của những đối đầu.

Tờ Les Echos mới đây cho biết sau khi Mỹ quyết định trừng phạt Nga, chỉ số chứng khoán RTS đã mất ngay 3% giá trị, cổ phiếu của hãng hàng không Aeroflot sụt mất 10%, và đồng ruble rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2016  tạo ra tình trạng bán tháo vì lo ngại Nga sẽ mắc kẹt trong một vòng xoáy trừng phạt không hồi kết. Thiệt hại đối với các mặt hàng công nghệ xuất khẩu, nhất là thiết bị điện tử, có thể lên đến hàng trăm triệu USD. 

Theo ngân hàng Nga Alfa, việc Mỹ trừng phạt có thể làm giảm nhiệt tình và lòng tin nơi các nhà đầu tư, trong đó biện pháp dự kiến cấm mua lại nợ của Nga là nguy hiểm nhất. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ các biện pháp trừng phạt này có thể ảnh hưởng tới 70% nền kinh tế Nga và 40% lực lượng lao động.

Ngày 8/8, chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp đặt các đòn trừng phạt thương mại cứng rắn đối với Nga nhằm đáp lại vụ đầu độc được cho là âm mưu sát hại cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của người này ở Anh. 

Những biện pháp trừng phạt mới này của Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 tới, sẽ cấm các công ty Mỹ có ý định xuất khẩu công nghệ và các thiết bị ứng dụng an ninh quốc gia khác cho các công ty có vốn hoặc được sở hữu bởi Chính phủ Nga.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục