Cuộc chiến chống nạn trốn thuế ngày càng cam go (Phần 1)

05:30' - 13/08/2018
BNEWS Những cụm từ như thiên đường thuế, tài khoản ma, thỏa thuận ngầm không còn xa lạ trong khi cuộc chiến chống nạn trốn thuế càng trở nên khó khăn bởi những “chiêu” lách luật ngày càng tinh vi hơn.
Apple dính nghi án trốn thuế trong vụ rò rỉ Hồ sơ Paradise. Ảnh: EPA

Trong vài năm trở lại đây, những hồ sơ trốn thuế liên tục được công bố đã làm rúng động dư luận và chính phủ trên toàn thế giới, trong đó phần nào phanh phui nhiều mánh khóe mà các cá nhân, tổ chức tài chính và doanh nghiệp đã sử dụng để tránh né các nghĩa vụ tài chính của mình. 

Tháng 11 năm 2017, Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố Hồ sơ Paradise gồm 13,4 triệu văn bản, đa số là tài liệu về các khách hàng của công ty luật Appleby hoạt động ở Bermuda. Đây là vụ rò rỉ hồ sơ tài chính thuế lớn thứ hai sau Hồ sơ Panama năm 2016, và cũng do tờ báo Süddeutsche Zeitung (Đức) thu thập. 

Bên cạnh những thông tin về hoạt động tài chính của nhiều nhân vật nổi tiếng bị rò rỉ, còn có những cái tên như đế chế công nghệ Apple hay hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng của Mỹ Nike vướng nghi án trốn thuế trong vụ rò rỉ Hồ sơ Paradise. Các thông tin trong đó tiết lộ rằng "trái táo cắn dở" đã chuyển phần lớn tài sản có được từ hoạt động của các chi nhánh nước ngoài về một thiên đường thuế ở quần đảo Channel thuộc Anh.

Ngoài ra, Hồ sơ Paradise cũng tố cáo Nike đã tập trung toàn bộ doanh thu trên thị trường châu Âu về hai công ty có trụ sở tại Hà Lan để tránh phải trả thuế tại tất cả quốc gia mà hãng đặt chi nhánh và bán các sản phẩm của mình. Nhờ đó, thay vì phải trả mức thuế lên đến 25% theo mức trung bình của các công ty hoạt động tại châu Âu, Nike chỉ phải chịu mức thuế 2% khi đưa về Hà Lan.

Nike đã áp dụng phương thức này từ năm 2014 và sau 3 năm, hãng đã giảm được mức thuế trung bình phải trả toàn cầu từ 24% xuống 16%. Nike khẳng định việc làm này hoàn toàn dựa trên các quy định luật pháp tại Hà Lan.

Trên thực tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã lợi dụng kẽ hở luật pháp này để chuyển thu nhập và tài sản sang chi nhánh ở những thiên đường thuế để được hưởng ưu đãi và giảm thiểu khoản thuế phải đóng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phương thức lách luật kiểu này khiến các nước thất thu khoảng 100- 240 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Nhìn nhận trên khía cạnh doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng việc các công ty dịch chuyển lợi nhuận sang nước ngoài để tìm kiếm ưu đãi về chính sách thuế cho phép họ giữ nhiều tiền hơn để phục vụ đầu tư và tạo việc làm, đồng thời đóng góp vào ngân sách của các quốc gia có mức thuế suất thấp. Mặc dù có vẻ như đây là thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”, thực tế lại không hoàn hảo như vậy.

Cải cách thuế doanh nghiệp năm 2017 của Mỹ cho phép các công ty hồi hương lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài chỉ với mức thuế truy thu 15,5% một lần. Khá nhiều công ty đa quốc gia đã tận dụng cơ hội này và tiến hành các đợt trả cổ tức cho các cổ đông, và thậm chí hào phóng hơn là đưa ra các chính sách thưởng cho người lao động.

Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia vẫn sở hữu một lượng tiền khổng lồ mà họ không đầu tư hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư hay chi trả cổ tức hiện tại đều không đáng kể so với số tiền mà các công ty tích lũy nhờ các “kỹ xảo” né thuế từ trước đến nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục