Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Vòng đấu chưa tới điểm dừng

17:49' - 23/08/2018
BNEWS Sau đợt áp thuế và trả đũa đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 6/7 vừa qua, tới nay cả hai bên đều đã cảm nhận được tác động.

Hai đợt áp thuế chỉ trong vòng một tháng rưỡi, bất chấp cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa được nối lại tại Washington sau nhiều tháng đình trệ, có vẻ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị cuốn vào một vòng xoáy chưa có điểm dừng, mà tâm điểm của nó là cuộc chiến thương mại tổng lực.

Trung Quốc ngày 23/8 áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD từ Mỹ. Ảnh: TTXVN phát

Rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang thực thi chính sách cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc khi liên tiếp quyết định áp thuế nhập khẩu và đe dọa áp thuế với nhiều mặt hàng có tổng trị giá hàng chục tỷ USD từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh thì cũng chưa có dấu hiệu nhượng bộ khi hết lần này tới lần khác "đáp trả tương xứng".

Động thái mới của Mỹ và Trung Quốc từ ngày 23/8 áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên đang "phủ bóng đen" lên cuộc đàm phán thương mại vừa bắt đầu trước đó 1 ngày.

Đây là lần đầu tiên hai bên nối lại đàm phán kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hồi đầu tháng 7 vừa qua, với việc Washington áp thuế nhập khẩu với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc.

Quyết định tiếp tục kế hoạch áp thuế này được xem là cách để Washington gây sức ép tối đa đối với Bắc Kinh trên bàn đàm phán, phản ánh chính sách "cây gậy và củ cà rốt" mà Mỹ đang tiếp cận đối với Trung Quốc.

Điều này cũng đã được dự cảm từ trước khi Tổng thống Trump từng yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn trên bàn đàm phán, trong khi Cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng Larry Kudlow (La-ri Cút-lâu) cũng cảnh báo Trung Quốc "không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump" trong vấn đề thương mại.

Sau đợt áp thuế và trả đũa đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 6/7 vừa qua, tới nay cả hai bên đều đã cảm nhận được tác động. Trong hơn 1 tháng, cả đồng nội tệ và thị trường chứng khoán Trung Quốc đều sụt giảm đáng kể.

Chỉ số chứng khoán của 50 công ty lớn nhất trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 15% và đồng Nhân dân tệ giảm gần 7% so với đồng USD. Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng "cuộc chiến thuế quan" này sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng hơn đến kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng bị đánh giá là đã bắt đầu "ngấm đòn" trước các biện trả đũa của Trung Quốc, gồm cả tẩy chay hàng hóa Mỹ. Từ những tập đoàn lớn như hãng xe hơi Ford vốn đã "bắt rễ" vào thị trường đông dân nhất hành tinh, tới những người nông dân Mỹ không thể bán hàng sang Trung Quốc.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Mỹ tăng hàng rào thuế quan 10% thì lợi nhuận của 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ giảm 15%. Các đòn "ăn miếng trả miếng" trong một cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc còn giáng mạnh vào thị trường lao động, làm suy yếu mức tăng trưởng. Ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng đã phải chia sẻ gánh nặng này.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kéo dài cũng để lại hậu quả đối với kinh tế nhiều nước và khu vực.

Đồng nội tệ nhiều nước châu Á đã mất giá so với đồng USD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, Canada hay Mexico, những nước phụ thuộc vào quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc và Mỹ, đều được dự báo sẽ giảm.

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Trump tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang phần nào phản ánh chính sách của Washington luôn xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, mà kinh tế chỉ là một mặt trận.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi thì cho rằng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ chỉ là một mô hình thu nhỏ của "ván bài chiến lược" lớn hơn giữa hai nước, nói cách khác, thực chất chỉ là một góc của "tảng băng" cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.

Bởi vậy, chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump đối với vấn đề thương mại với Trung Quốc, không đơn thuần chỉ là sự bất bình vì mức thâm hụt thương mại hơn 24 tỷ USD với Bắc Kinh, hay vì hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ gấp 4 lần khối lượng hàng nhập khẩu.

Cũng vì thế mà cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần này ít được kỳ vọng, ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định việc giải quyết xung đột thương mại "sẽ cần nhiều thời gian".

Không những thế, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục cáo buộc Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp lại số tiền tiền thuế quan phải trả cho Mỹ, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có biện pháp đối phó.

Trước những diễn biến trên, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Scott Kennedy, cho rằng vòng đàm phán này chỉ mang tính thăm dò khi "kỳ vọng của cả hai bên có lẽ đều ở mức thấp".

Trong khi đó, ông Derek Scissors, học giả về Trung Quốc từ Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, nhận định trong bối cảnh thành phần tham gia đàm phán lần này đều là các quan chức ở cấp đại diện tương đối thấp, "đến 80-90% hai bên chỉ lãng phí thời gian vô ích với cuộc đàm phán".

Xét tổng thể, Mỹ có lý do không cần thỏa hiệp khi nước này đang được đánh giá ở vị thế "trên cơ" trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu giảm sút do tác động từ căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Trong khi đó, các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, ZTE, China Mobile đang gặp nhiều khó khăn dù cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Chính quyền Tổng thống Trump tính toán rằng với mức thặng dư thương mại lớn, Trung Quốc cần thị trường 20.000 tỷ USD của Mỹ hơn là các công ty Mỹ cần thị trường Trung Quốc, do đó sớm muộn Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ.

Theo Giáo sư Quan hệ quốc tế Bàng Trung Anh của Đại học Hải dương Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không thể đưa ra những nhượng bộ mang tính thực chất về cải cách cơ cấu kinh tế, Tổng thống Trump khó có thể giảm nhẹ sức ép đối với Trung Quốc và bế tắc hiện nay khó có thể được khai thông trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới.

Dẫu vậy, vẫn có một số ý kiến lạc quan về triển vọng giải quyết chấp thương mại Mỹ - Trung. Nhà nghiên cứu Mai Tân Dục, chuyên gia Viện Hợp tác kinh tế và thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhấn mạnh mặc dù hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận vào thời điểm hiện tại, song các cuộc đàm phán vẫn rất cần thiết bởi nó giúp thu hẹp bất đồng để hướng tới giải pháp trong tương lai khi thời cơ chín muồi.

Nói cho cùng, mối quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc mang nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ cao, nên dù bất đồng và căng thẳng vẫn tồn tại, thì việc chọn giải pháp phá vỡ quan hệ này chắn chắn không phải là lựa chọn tối ưu./.

>>>Nhân dân tệ mất giá: ​Vẫn trong mức kiểm soát

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục