Cuộc chiến thương mại sẽ bước sang không gian số?

05:30' - 11/04/2025
BNEWS Báo La Tribune của Pháp vừa qua có bài phân tích về biện pháp đáp trả của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc hàng hóa của khối này bị Mỹ áp thuế đối ứng. Nội dung như sau:

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh chính sách thuế quan nhằm vào hàng hóa châu Âu, một số chính trị gia và doanh nhân trong lĩnh vực kỹ thuật số của EU đang đề xuất biện pháp đáp trả: đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Big Tech). Tuy nhiên, giải pháp này – tưởng như là một phản ứng hợp lý – lại tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và hệ lụy kinh tế cho chính châu Âu.

Phản ứng chính trị: Nhanh chóng nhưng thiếu chắc chắn

Sau khi ông Trump tuyên bố áp mức thuế bổ sung 20% đối với tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu, làn sóng kêu gọi đánh thuế vào dịch vụ số - thế mạnh xuất khẩu của Mỹ – đã nhanh chóng nổi lên. Tại Pháp, bà Sophie Primas, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Thượng viện, thẳng thắn đề xuất áp trả thuế quan vào lĩnh vực mà Mỹ "khó chịu" nhất: công nghệ số. Ví dụ, đánh thuế dịch vụ đám mây, phần mềm, mạng xã hội và các dịch vụ Internet khác. Ý tưởng này nhận được sự hưởng ứng từ nhiều nhân vật có ảnh hưởng như Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Nghị sĩ châu Âu Stéphanie Yon-Courtin, người gọi đây là một "tín hiệu mạnh mẽ".

Tuy nhiên, khác với hàng hóa hữu hình, dịch vụ số lại không dễ bị điều chỉnh bằng các công cụ thuế quan truyền thống. Trong khi rượu vang hay ô tô có thể bị đánh thuế nhập khẩu khi đi qua biên giới, các dịch vụ như phần mềm đám mây, mạng xã hội, hoặc nền tảng quảng cáo không vận hành theo cơ chế tương tự.

 

Theo chuyên gia luật kỹ thuật số Bernard Lamon, đánh thuế dịch vụ số đòi hỏi một khung pháp lý hoàn toàn khác. Khi một doanh nghiệp châu Âu sử dụng dịch vụ Microsoft Azure, họ thực tế giao dịch với chi nhánh tại Ireland, một thành viên của EU, chứ không phải công ty mẹ tại Mỹ. Việc áp thuế với hoạt động như vậy không thể sử dụng các công cụ thuế quan thông thường.

Do đó, EU sẽ phải xem xét áp thuế trên doanh thu hoặc lợi nhuận của các công ty Big Tech tại châu Âu. Mô hình này từng được đề xuất ở cấp độ toàn EU nhưng đã bị tạm dừng vào năm 2021, do không đạt được đồng thuận giữa 27 quốc gia thành viên, đồng thời vấp phải nhiều chỉ trích về tính hiệu quả và nguy cơ trả đũa thương mại.

Tại Pháp, một loại thuế riêng biệt - được gọi là “thuế GAFAM” - đã được triển khai từ năm 2019 với mức 3% trên doanh thu từ hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của các công ty đạt ngưỡng nhất định. Tuy nhiên, thuế này không chỉ áp dụng với các tập đoàn Mỹ mà cả các công ty châu Âu như Adevinta của Na Uy. Bà Marianne Tordeux, Giám đốc đối ngoại của Hiệp hội Khởi nghiệp France Digitale, nhấn mạnh, việc áp thuế dựa trên tiêu chí quốc tịch bị coi là vi hiến ở cả cấp quốc gia lẫn cấp EU.

Tác động kinh tế: Doanh nghiệp và người dân châu Âu chịu thiệt?

Dù vượt qua được rào cản pháp lý, tác động kinh tế của việc đánh thuế Big Tech vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Ông Henri d’Agrain, Tổng thư ký hiệp hội CIGREF, cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp thuế nào cũng cần đánh giá tác động cụ thể đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Khoảng 70–80% chi tiêu của doanh nghiệp châu Âu cho phần mềm và dịch vụ đám mây hiện đang chảy vào túi các tập đoàn Mỹ. Đánh thuế các công ty này có thể khiến chi phí bị đẩy sang phía người tiêu dùng cuối cùng.

Bà Marianne Tordeux đồng tình: “Không phải lợi nhuận của GAFAM sẽ bị cắt giảm, mà là hóa đơn của người dùng sẽ tăng lên”. Kinh nghiệm sau khi áp dụng thuế GAFAM tại Pháp cho thấy chi phí dịch vụ không giảm, mà còn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, hệ quả này sẽ chậm hơn so với tác động tức thì từ các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng.

Ngoài ra, việc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ số là một quá trình dài, tốn kém và rủi ro. Dù không hài lòng khi các tập đoàn Mỹ tăng giá hoặc thay đổi điều khoản, phần lớn doanh nghiệp vẫn gắn bó với họ do thiếu lựa chọn thay thế khả thi. “Chuyển đổi nền tảng công nghệ là một dự án công nghiệp kéo dài nhiều năm”, ông d’Agrain nhận định.

Tự chủ công nghệ: Khát vọng chính đáng nhưng khó hiện thực

Khủng hoảng thương mại do chính sách của ông Trump có thể là cơ hội để châu Âu nhìn lại sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Tại Diễn đàn InCyber ở Lille, ông Patrick Pouyanné – Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng Total – than phiền rằng mình chỉ có thể lựa chọn giữa Google, Microsoft và Amazon khi cần xử lý dữ liệu nhạy cảm, vì gần như không có nhà cung cấp châu Âu tương đương.

Trong lĩnh vực điện toán đám mây, một số lựa chọn châu Âu, như OVHcloud, đã có những tín hiệu tích cực, như giá cổ phiếu tăng sau tuyên bố thuế quan của ông Trump. Nhưng với các dịch vụ kỹ thuật số khác, cho thấy thị trường kỳ vọng vào xu hướng dịch chuyển về công nghệ bản địa. Tuy vậy, trong những lĩnh vực như quảng cáo kỹ thuật số, tìm kiếm, mạng xã hội – các nền tảng Mỹ vẫn giữ thế độc quyền.

Dù vậy, một số doanh nghiệp đã sẵn sàng hành động. Ông Alain Garnier, đồng sáng lập công ty phần mềm Jamespot, tiết lộ rằng ba tập đoàn lớn và nhiều doanh nghiệp quy mô vừa đã liên hệ với công ty của ông để tìm giải pháp thay thế Microsoft 365 bằng phần mềm nội địa. “Tình trạng nghiện công nghệ Mỹ không phải không thể vượt qua”, ông nói.

Giải pháp nào cho châu Âu?

Dù đề xuất đánh thuế Big Tech có thể là một đòn phản công biểu tượng, nhiều chuyên gia cho rằng đó không phải là con đường hiệu quả nhất. Theo bà Tordeux, thay vì áp thuế, EU nên đầu tư có chiến lược vào hệ sinh thái công nghệ bản địa, sử dụng chính sách mua sắm công như một công cụ thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển.

Ông Lamon cũng kêu gọi châu Âu học cách sử dụng pháp luật như một công cụ chiến lược. “Luật pháp là một vũ khí trong cuộc chiến thương mại, nhưng chúng ta chưa biết khai thác nó đúng mức”, ông nói. Ông cho rằng thay vì áp thuế, EU nên tăng cường thực thi các đạo luật mới như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) – vốn đang bị Tổng thống Trump chỉ trích vì cho là "vi phạm tự do ngôn luận".

 “Những đạo luật này không nhằm vào riêng các tập đoàn Mỹ, trái ngược với những gì ông Trump nói. Đây không phải là lúc để lùi bước, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt do sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo”, bà Tordeux cảnh báo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục