Cuộc chiến về giá và dịch COVID-19 đẩy giá dầu đi xuống phiên 16/3

16:50' - 16/03/2020
BNEWS Cuộc chiến giá dầu giữa các nhà sản xuất dầu hàng đầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung.

Giá dầu châu Á giảm trong phiên 16/3 giữa bối cảnh quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không thể giúp "trấn an" các thị trường tài chính toàn cầu, vốn đang "lao đao" bởi tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, cuộc chiến giá dầu giữa các nhà sản xuất dầu hàng đầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung.

Cuộc chiến về giá và dịch COVID-19 đẩy giá dầu đi xuống phiên 16/3. Ảnh minh họa: TTXVN

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 14 giờ 29 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,07 USD xuống 31,78 USD/thùng, nối dài mức giảm 25% trong tuần trước, mức giảm mạnh nhất tính theo tuần kể từ năm 2008. Hợp đồng dầu kỳ hạn giao tháng 4/2020 khởi đầu ở mức cao 35,84 USD/thùng, nhưng sau đó đã tụt xuống 31,63 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,38 USD xuống 30,35 USD/thùng, sau khi rơi xuống dưới mốc 30 USD/thùng lúc đầu phiên, bất chấp cam kết sẽ "làm đầy" kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Michael Tran, nhà phân tích thuộc RBC Capital Markets, cho biết kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ hiện ở mức 634 triệu thùng, ít hơn 80 triệu thùng so với công suất chứa 714 triệu thùng của SPR.

Fed đã hạ lãi suất xuống biên độ 0-0,25% hôm 15/3 trong đợt cắt giảm khẩn cấp thứ hai trong tháng này và cho biết sẽ mở rộng bảng cân đối kế toán ít nhất 700 tỷ USD trong vài tuần tới nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng trên các thị trường tài chính.

Giá dầu đã chịu áp lực mạnh từ cả hai phía cung và cầu. Nỗi lo về dịch COVID-19 đã làm giảm hoạt động mua "vàng đen", trong khi nỗi lo dư cung đã tăng lên sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia thúc đẩy sản lượng và giảm giá bán để tăng doanh số sang thị trường châu Á và châu Âu.

Đầu tháng này, Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đã không đạt được thỏa thuận về vấn đề cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục