Cuộc đua trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á

06:30' - 21/10/2024
BNEWS Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó Malaysia có số lượng lớn nhất.

Theo tạp chí “Tuần san châu Á” của Hong Kong (Trung Quốc) số 41/2024, Malaysia đã vượt qua Thái Lan trở thành điểm đến được các “đại gia” công nghệ toàn cầu ưa chuộng nhất ở Đông Nam Á. Nước này đã thu hút thành công các "gã khổng lồ” như Google, Oracle, Amazon…, dần hiện thực hóa cam kết trở thành trung tâm dữ liệu, trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây của khu vực.

Điểm nóng Malaysia

Hôm 1/10/2024, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã chủ trì lễ khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây của Google, thiết lập tại khu công nghệ Elmina Business Park của bang Selangor, Malaysia.  Dự án này có giá trị 2 tỷ USD và sẽ được dùng để phục vụ cho cả khu vực Đông Nam Á. Ngoài Google, hai công ty công nghệ khác của Mỹ là Oracle và Amazon cũng đã thông báo sẽ đầu tư mạnh vào việc xây dựng trung tâm dịch vụ đám mây ở Malaysia.

Đáng chú ý, đây chỉ là một vài trong số hơn 1.000 trung tâm dữ liệu đóng tại Malaysia. Nó cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành địa điểm ưa thích để các công ty toàn cầu thành lập trung tâm dữ liệu, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 
Trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng đám mây của Google dự kiến sẽ mang lại hơn 3,2 tỷ USD lợi ích kinh tế cho Malaysia vào năm 2030 và tạo ra hơn 26.000 cơ hội việc làm. Thủ tướng Anwar cho biết, Malaysia không chỉ kỳ vọng nhận được đầu tư vào trung tâm dữ liệu mà còn hy vọng đối tác Google có thể chia sẻ các giá trị và công nghệ mới, giúp Malaysia đạt được một tương lai bền vững.

Những nỗ lực của Malaysia nhằm thu hút đầu tư từ các công ty công nghệ thông tin lớn trên thế giới đang dần có kết quả. Amazon Web Services (AWS), công ty con của Amazon, trước đó công bố đầu tư 6,2 tỷ USD vào nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây. Ông Anwar cho biết khoản đầu tư của AWS có thể đóng góp tới 57,3 tỷ ringgit (khoảng 13,4 tỷ USD) vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia trong giai đoạn 2028 - 2032.

Vào tháng 5/2024, tập đoàn Microsoft đã công bố đầu tư 2,2 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng AI ở Malaysia. Và gần đây nhất, ngày 2/10/2024, Oracle cho biết sẽ đầu tư hơn 6,5 tỷ USD để xây dựng trung tâm dịch vụ đám mây ở Malaysia. Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz tin tưởng, khoản đầu tư của Oracle sẽ củng cố các thực thể của Malaysia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu với sự trợ giúp của công nghệ đám mây, AI tiên tiến và sáng tạo. Ông cho biết khoản đầu tư này cũng là một bước quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch công nghiệp của Malaysia, nhằm tạo ra 3.000 nhà máy thông minh vào năm 2030.

Một Đông Nam Á nhiều tiềm năng

Ngoài Malaysia, Google cũng công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào việc xây dựng trung tâm dữ liệu và cơ sở đám mây ở Thái Lan, dự kiến sẽ mang lại 14.000 cơ hội việc làm và bơm 4 tỷ USD vào GDP của Thái Lan vào năm 2029. Khoản đầu tư do Google và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng công bố, dự kiến sẽ được triển khai tại thủ đô Bangkok và tỉnh Chonburi.

Trung tâm dữ liệu mới ở Thái Lan sẽ hỗ trợ các dịch vụ dựa trên công nghệ AI của Google như tìm kiếm, dịch vụ bản đồ và các ứng dụng năng suất. Google Thái Lan đã cung cấp chương trình đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho hơn 3 triệu sinh viên, nhà giáo dục, nhà phát triển và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thái Lan trong 5 năm qua.

Bà Ruth Porat, Giám đốc Tài chính của Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết công ty đang đầu tư vào các cơ sở hạ tầng đám mây, trung tâm dữ liệu và cáp dưới biển ở Đông Nam Á, dựa trên nỗ lực trong nhiều năm qua nhằm đưa cơ sở hạ tầng đám mây đến gần hơn với người dân ở khu vực năng động này.

Nhà cung cấp dịch vụ đám mây Amazon Web Services đã tiết lộ kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu tại Thái Lan trong vài năm tới, biến nước này trở thành khu vực AWS thứ tư tại ASEAN sau Singapore, Indonesia và Malaysia.

Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, cho đến nay các công ty công nghệ toàn cầu đã cam kết đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào Thái Lan trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu.

Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng trung tâm dữ liệu, trong đó Malaysia có số lượng lớn nhất. Dữ liệu từ báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư Maybank cho thấy Malaysia hiện có 280 trung tâm dữ liệu đang được sử dụng, 159 đang được xây dựng và 766 thỏa thuận cam kết xây dựng trong giai đoạn đầu và 2.016 dự án đang trong giai đoạn đầu (cao thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ).

Con số này vượt xa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác, phản ánh sự ưa chuộng của các công ty công nghệ toàn cầu đối với Malaysia. Các chuyên gia phân tích rằng lý do khiến Malaysia nổi lên trong lĩnh vực này, bao gồm vị trí địa lý thuận lợi, quỹ đất dồi dào, chi phí xây dựng thấp và nguồn cung cấp điện, nước ổn định.

Nhờ chi phí thấp hơn, nguồn điện khả dụng và tính trung lập về địa chính trị, Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực lý tưởng để các nhà khai thác công nghệ thiết lập cơ sở trung tâm dữ liệu, với 5 quốc gia hàng đầu là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Singapore được xem là điểm đến ưa thích do cơ sở hạ tầng vượt trội và chế độ quản lý ổn định, tuy nhiên nước này đã áp dụng lệnh dừng xây dựng trung tâm dữ liệu trong giai đoạn 2019-2022 để đánh giá tác động đối với môi trường.

Malaysia đã nắm giữ phần lớn các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu mới trong giai đoạn này và hiện kỳ vọng các cơ sở có công suất điện khoảng 1 GW sẽ đi vào hoạt động trong hai năm tới. Con số này gấp đôi công suất trung tâm dữ liệu hiện tại của Malaysia.

Ngân hàng RHB cho biết thêm cơ sở 3 GW nữa cũng đã được công bố và nếu được chấp thuận, sẽ dần được triển khai trong vòng 3-5 năm tới. Để dễ hình dung thì công suất trung tâm dữ liệu của Singapore hiện ở mức khoảng 1,4 GW.

Đến năm 2028, RHB dự kiến Malaysia sẽ chiếm hơn một nửa công suất xử lý trung tâm dữ liệu trên 5 thị trường hàng đầu Đông Nam Á, với các trung tâm dữ liệu ở bang Johor có công xuất hơn 2,3 GW. Điều đó có thể đưa bang Johor của Malaysia vào cuộc cạnh tranh gay gắt với Singapore để trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu khu vực.

Những cơ hội cần nắm bắt

Sau khi dỡ bỏ một phần lệnh tạm dừng xây dựng trung tâm dữ liệu vào năm 2022, Singapore đã trao khoảng 80 MW công suất mới cho Equinix, GDS, Microsoft và AirTrunk-ByteDance vào tháng 7/2023. Vào tháng 5/2024, Singapore thông báo rằng ít nhất 300 MW công suất của trung tâm dữ liệu có thể sớm được cung cấp. Tuy nhiên, Singapore lưu ý rằng nước này sẽ chọn lọc kỹ càng hơn khi trao công suất mới trong tương lai.

Phát biểu tại một hội nghị vào tháng 5/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, ông Janil Puthucheary cho biết các trung tâm dữ liệu là nguồn phát thải carbon gián tiếp lớn nhất của Singapore. Ông nói thêm rằng các trung tâm dữ liệu hiện tại chiếm 82% lượng khí thải carbon của ngành thông tin - truyền thông và 7% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước. 

Tuy nhiên, ông Janil cho biết Singapore vẫn có thể trao thêm 200 MW công suất cho các nhà khai thác có thể sử dụng các nguồn năng lượng xanh để vận hành các cơ sở và sẽ áp dụng các biện pháp ưu đãi để hỗ trợ các khoản đầu tư như vậy.

Ông Dedi Iskandar, Giám đốc giải pháp trung tâm dữ liệu tại công ty tư vấn đầu tư bất động sản CBRE, đã đề nghị các cơ quan chức năng Singapore cung cấp thêm thông tin rõ ràng về vấn đề này. Ông Dedi cho biết, mặc dù Singapore vẫn là điểm đến ưa thích để lưu trữ các ứng dụng điện toán quan trọng, bang Johor (Malaysia), nơi vẫn đang vật lộn với các vấn đề như thiếu hụt nhân tài và nước, đang cải thiện vị thế nhanh chóng.

Rủi ro lớn nhất đối với Singapore phát sinh khi khoảng cách về giá xây dựng và vận hành một trung tâm dữ liệu so với Johor trở nên quá lớn, trong khi chất lượng dịch vụ trung tâm dữ liệu giữa hai thị trường đang thu hẹp lại.

Dữ liệu của CBRE cho thấy, chi phí xây dựng trung bình của một trung tâm dữ liệu ở Singapore hiện ở mức khoảng 11,40 USD cho mỗi watt, cao nhất trong số 9 thành phố ở châu Á, trong khi ở Johor, chi phí trung bình là khoảng 8,40 USD cho mỗi watt. Chi phí năng lượng và đất đai ở Johor cũng nằm trong số những địa điểm thấp nhất trong khu vực. Ông Dedi nhấn mạnh: “Điều này tất nhiên sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động trung tâm dữ liệu của họ từ Singapore đến Johor”.  

Các khoản đầu tư mới từ các "đại gia" công nghệ dự kiến sẽ đóng góp vào nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á, bằng cách tạo ra việc làm có tay nghề cao trong xây dựng, vận hành và bảo trì trung tâm dữ liệu, đồng thời phát triển nhân tài trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, khoa học dữ liệu và quản lý.

Các khoản đầu tư cũng sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của khu vực, cho phép các doanh nghiệp địa phương và tổ chức lưu trữ dữ liệu tại chỗ, đồng thời tăng cường chủ quyền dữ liệu.

Các nhà phân tích tại Maybank lưu ý, với các cải tiến được AI hỗ trợ, như tìm kiếm trên ứng dụng ChatGPT hiện yêu cầu công suất xử lý cao hơn ít nhất từ 4-5 lần so với tìm kiếm trên Internet truyền thống, nhu cầu về trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng khoảng 20%/năm trong 5-7 năm tới.

Trung tâm dữ liệu là những cơ sở lớn được xây dựng để chứa máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu và thiết bị mạng hỗ trợ dịch vụ Internet và viễn thông tốt hơn. Điều này cho phép mở rộng các hoạt động trực tuyến phổ biến như chơi game, phát trực tiếp và kinh doanh, cũng như các công nghệ tiên tiến hơn như điện toán đám mây và AI.

Báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng dự kiến nhu cầu về trung tâm dữ liệu ASEAN sẽ tăng trưởng với tốc độ hai con số hàng năm, trung bình là 20% vào năm 2028, với tổng giá trị thị trường tiềm năng là 11 tỷ USD mỗi năm. 

Phân tích chỉ ra rằng kỳ vọng cao được phản ánh trên ba cơ sở: Thứ nhất, so với các thị trường phát triển hơn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, tỷ lệ thâm nhập về nguồn cung trung tâm dữ liệu của ASEAN chỉ đạt 55-70% và vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Thứ hai, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo đã thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu trung tâm dữ liệu và giúp củng cố vị thế của khu vực trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ ba, địa chính trị và sự ổn định kinh tế là những yếu tố đưa ASEAN trở thành trung tâm dữ liệu toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra rằng ASEAN luôn giữ thái độ trung lập về các vấn đề địa chính trị và căng thẳng thương mại Trung-Mỹ, khiến khu vực này trở thành địa điểm lý tưởng để xây dựng trung tâm dữ liệu và cáp ngầm dưới biển.

Nhưng các thị trường đang lo ngại liệu các trung tâm dữ liệu của ASEAN có được xây dựng nhanh quá mức, dẫn đến tình trạng dư cung và rất có thể sẽ xuất hiện bong bóng hay không. Các nhà phân tích cho rằng rủi ro là rất thấp vì đầu tư thực tế chỉ chiếm 40% công suất mới được công bố và tỷ lệ trống là 10%. Đây là mức đầu tư lành mạnh và được khuyến khích.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục