Cuộc khủng hoảng di cư đang quay trở lại?

06:30' - 18/09/2022
BNEWS Cảnh sát đã phát hiện và bắt giữ trung bình 180 người di cư mỗi ngày. Theo cảnh sát, số lượng người di cư bị giam giữ trong hai tháng qua thậm chí còn cao hơn trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Số người di cư bất hợp pháp từ Syria tới CH Czech đang gia tăng nhanh. Tính từ đầu năm đến nay, cảnh sát đã phát hiện khoảng 8.000 người tị nạn muốn đến Tây Âu qua lãnh thổ CH Czech.

Trong khi giai đoạn tháng 1-9/2021, con số này chỉ là 750 người di cư và cả năm 2020 chỉ là hơn 200 người di cư.

Con số này thậm chí còn cao hơn đáng kể so với hồi năm 2015, năm đỉnh điểm của dòng người tị nạn từ Syria tràn vào châu Âu. Phần lớn trong số người di cư bất hợp pháp vào CH Czech năm nay là người Syria.

Cảnh sát đã bắt giữ hơn 7.200 người trong quá trình di cư bất hợp pháp qua biên giới. Tiếp theo là người Thổ Nhĩ Kỳ và người Afghanistan.

Hầu hết dòng người di cư đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ không ở lại CH Czech và đang tiếp tục di chuyển, mục tiêu của cuộc hành trình là Đức.

Theo bà Magda Faltová, Giám đốc Hiệp hội Nhập cư và di cư CH Czech, tình hình kinh tế và chính trị ngày càng tồi tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân gây ra làn sóng di cư cao kỷ lục hiện nay.

Với những người tị nạn đến từ Syria, đã sống ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều lần so với người dân địa phương.

Những người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tâm lý ngày càng tiêu cực hơn đối với người nhập cư do cuộc sống của chính họ cũng ngày càng đi xuống. Và đó là lý do khiến những người tị nạn tìm kiếm nơi trú ẩn tốt hơn ở Tây Âu.

Bộ trưởng Nội vụ CH Czech Vít Rakušan muốn giải quyết tình trạng dòng người di cư bất hợp pháp gia tăng nhanh ở cấp độ châu Âu và đã thảo luận vấn đề này với những người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông, châu Âu cần tạo áp lực mạnh với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi xuất phát của dòng người Syria. Tuy nhiên, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại CH Czech, Egemen Bagiş, lại tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm đủ trách nhiệm của họ và cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chịu quá nhiều áp lực và gánh nặng do tình trạng di cư bất hợp pháp.

Ông Egemen Bagiş cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nghĩa vụ của mình đối với EU, nhưng EU lại chỉ đáp ứng một phần trách nhiệm của mình.

Sự gia tăng nhanh của người tị nạn ở CH Czech là đặc biệt đáng chú ý trong những tháng gần đây. Chỉ riêng trong tháng Chín Cục cảnh sát ngoại kiều CH Czech đã bắt giữ hơn 2.500 người di cư bất hợp pháp, trong khi cả tháng Bảy con số này chỉ là khoảng 1.000 người và vào tháng Sáu là 340 người.

Hiện nay, trung bình, cảnh sát đã phát hiện và bắt giữ tới 180 người di cư mỗi ngày. Theo cảnh sát, số lượng người di cư bị giam giữ trong hai tháng qua thậm chí còn cao hơn trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Theo bà Magda Faltová, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh trách nhiệm với người Syria do tình hình lạm phát gia tăng. Bà cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đẩy những người tị nạn trở về quê hương mặc dù tình hình ở đó không an toàn, và việc này đã dẫn đến hiện tượng di cư thứ cấp.

Trong khi đó, Đại sứ Egemen Bagiş cho biết có tới 3,7 triệu người Syria và nửa triệu người châu Á và châu Phi khác sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước nên tập trung vào việc chia sẻ công bằng gánh nặng định cư và chi phí tài chính. Theo ông, đây là vấn đề của châu Âu và không thể chỉ một mình Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết.

Những người di cư vào lãnh thổ CH Czech nhiều nhất là từ nước láng giềng Slovakia, chủ yếu qua vùng Nam Moravian và Zlín. Khi bị cảnh sát bắt giữ, họ được đưa vào một cơ sở đặc biệt để giam giữ người nước ngoài.

Sau đó, Chính phủ CH Czech sẽ cố gắng đưa họ trở lại đất nước mà họ đã đến trước khi nhập cảnh vào nước này - trong trường hợp này là Slovakia. Nếu có thể chứng minh được người nước ngoài vào lãnh thổ CH Czech từ đâu, CH Czech sẽ tiến hành yêu cầu bàn giao trở lại quốc gia trước người di cư tới.

Nhưng vấn đề là Slovakia cũng không muốn người di cư ở trên lãnh thổ của mình, và nếu không có bằng chứng cho thấy người tị nạn đã ở Slovakia, tất nhiên họ sẽ từ chối nhận trở lại.

Tính từ đầu năm đến nay, phía Slovakia đã không chấp nhận yêu cầu đưa người di cư từ CH Czech trở lại nước này với khoảng 1.400 trường hợp.

Những người tị nạn sau đó được trả tự do và đưa ra thời hạn để rời khỏi CH Czech, họ được quyền nộp đơn xin tị nạn trong lãnh thổ nước này, nhưng thông thường thì không.

CH Czech vẫn sẽ cố gắng chuyển giao quyền quản lý cho "cửa ngõ" gia nhập EU, trong trường hợp của làn sóng di cư này, đó thường là Hy Lạp.

Theo bà Faltová, châu Âu nên thay đổi hệ thống phân bổ lại người di cư, bởi EU vẫn chưa đạt được cải cách hệ thống trong lĩnh vực tị nạn và di cư, và hệ thống hiện tại đang hoạt động không hiệu quả.

CH Czech không phải là điểm đến cuối cùng của những người tị nạn. Họ thường chỉ ở lại vài ngày và tiếp tục đi về hướng Tây. Cách thức di cư gần đây đã có sự thay đổi và những kẻ buôn người ngày càng tinh vi hơn.

Tội phạm buôn người không chỉ sử dụng xe tải mà có thể dễ dàng thuê ô tô để vận chuyển. Cảnh sát CH Czech cũng xác nhận rằng, hầu hết các trường hợp di cư đến CH Czech bằng xe tải. Ngoài ra, còn có một số vượt biên bằng cách đi bộ hoặc thuê ô tô./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục