Cuộc khủng hoảng lúa mỳ nhìn từ bốn góc độ
Thị trường lúa mỳ đang "nóng" lên từng ngày không chỉ do xung đột ở Ukraine hay điều kiện thời tiết xấu, mà kể cả các quyết định chính trị khó lường cũng khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này bị gián đoạn, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nguồn cung toàn cầu và đẩy giá lên mức cao chưa từng thấy trước đây.
Quyết định gần đây của Ấn Độ liên quan đến việc cấm xuất khẩu lúa mỳ đã làm trỗi dậy những căng thẳng vốn có trên thị trường lương thực kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Lo ngại về nguồn cung đang gia tăng, phủ bóng đen lên sản lượng toàn cầu. Nhật báo Les Echos đã có bài phân tích tình hình cuộc khủng hoảng này trên bốn góc độ nhìn nhận. Sản lượng toàn cầu giảmTrong một báo cáo mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo sản lượng lúa mỳ thế giới trong vụ thu hoạch 2022/2023 so với năm ngoái. Theo đó, sản lượng sẽ chỉ đạt 775 triệu tấn, giảm 4 triệu tấn trong hơn một năm. Một số nhà sản xuất lớn nhất thế giới thực sự đang gặp khó khăn. Đứng đầu là Ukraine, quốc gia nằm trong số 10 nhà sản xuất lúa mỳ lớn nhất thế giới và sản lượng thu hoạch của họ dự kiến sẽ thấp hơn 1/3 so với năm trước, ở mức 21,5 triệu tấn. Australia, một ông lớn sản xuất lúa mỳ khác với sản lượng 30 triệu tấn dự kiến trong năm nay, cũng thông báo giảm sản lượng, giống như Ấn Độ (108 triệu tấn), do bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng làm hư hại mùa màng ở các vựa lúa mỳ chính ở phía Bắc đất nước. Trung Quốc, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới với 135 triệu tấn, cũng dự kiến thu hoạch thấp hơn một chút so với năm ngoái. Mức tăng sản lượng ở Nga, Canada hoặc Mỹ sẽ không đủ để bù đắp. Khó khăn của các nhà xuất khẩu Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mỳ hàng đầu thế giới. Nước này xuất khẩu 75% sản lượng thu hoạch và đang hướng tới việc trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, cuộc xung đột đã làm thay đổi tình hình. Xuất khẩu của Ukraine bị hạn chế do các lối ra chính đều bịt kín và Nga bị cáo buộc ngăn cản xuất khẩu ngũ cốc qua phía Biển Đen. Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá xuất khẩu của Ukraine trong năm 2022 sẽ giảm gần một nửa so với năm 2021, xuống chỉ còn 10 triệu tấn. Trong khi đó, Nga vẫn cố gắng xuất khẩu lúa mỳ bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, đứng trên Liên minh châu Âu (EU), với doanh số bán hàng dự kiến tăng trong năm nay lên 39 triệu tấn. Trong thời kỳ bình thường, chỉ riêng Nga và Ukraine đã chiếm gần 30% thương mại lúa mỳ thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu sẽ giảm ở nước này do bị tác động của đồng USD mạnh. Trong thị trường vốn đã hạn hẹp này, Ấn Độ lại vừa tuyên bố cấm xuất khẩu. Với doanh số dự kiến đạt 8 triệu tấn trong năm nay, quốc gia này chắc chắn không phải là nhà xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc rút nguồn cung lúa mỳ của họ cũng đủ để gây bất ổn thị trường thêm một chút. Quyết định này còn làm dấy lên lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng từ phía một số cường quốc nông nghiệp. Nhu cầu thế giới ngày càng tăng Trong khi nguồn cung đang suy giảm, trong năm nay tiêu thụ lúa mỳ lại đang tăng lên. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, việc tiêu thụ này sẽ đạt 788 triệu tấn, nhiều hơn sản lượng dự kiến cho vụ thu hoạch 2022/2023. "Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau khi dỡ bỏ các quy định hạn chế phòng COVID-19 ở hầu hết các quốc gia, cũng như sự chuyển dịch thói quen của người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi sang chế độ ăn dựa trên lúa mỳ, tiếp tục đẩy mức tiêu thụ lên cao hơn", báo cáo nhấn mạnh. Ai Cập, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ là những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới (từ 10 đến 11 triệu tấn). Trung Quốc, dù đã giữ lại sản lượng lớn của họ cho riêng mình và vẫn chiếm 5% thị trường nhập khẩu thế giới (9,5 triệu tấn). Algeria, Morocco, Nigeria và Bangladesh cũng nằm trong số các nhà nhập khẩu hàng đầu. Cần lưu ý rằng đối với một số nước nhập khẩu, chẳng hạn như Somalia hoặc Ai Cập, căng thẳng ở Ukraine là một thảm họa. Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: "Bạn phải nhớ rằng có những quốc gia mà tỷ lệ nguồn cung lúa mỳ của họ phụ thuộc vào Ukraine lên đến 30, 40 và thậm chí là 50%". Giá cả tăng "chóng mặt" Nguồn cung hạn hẹp khiến giá cả leo thang, lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Hợp đồng tương lai lúa mỳ được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CIBOT) đang ở quanh mức 12 USD/bushel, tăng gần 60% trong vòng một năm. Hợp đồng Euronext tháng 9, tham chiếu cho thị trường châu Âu, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 438,25 euro/tấn vào giữa tháng 5 sau thông báo về lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, tăng 120% trong vòng một năm. Nguy cơ hạn hán hiện nay ở miền Nam nước Mỹ và Tây Âu, đặc biệt là ở Pháp, cũng làm gia tăng lo ngại của thị trường. Trong báo cáo tiến độ vụ mùa mới nhất, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết việc gieo trồng lúa mỳ vụ Xuân mới chỉ hoàn thành 49%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 83%. Về phần mình, Cơ quan giám sát mùa màng của Liên minh châu Âu đã hạ mức dự báo sản lượng trung bình lúa mỳ mềm của EU trong năm nay do không có mưa. Có quá nhiều tin xấu đang khiến cho giá cả loại lương thực thiết yếu này luôn ở mức cao và nguy cơ về một nạn đói toàn cầu đang hiện hữu./.
- Từ khóa :
- thị trường lúa mỳ
- lúa mì
- lúa mỳ
- mỹ
- nga
- khủng hoảng năng lượng
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Chiến lược kinh tế mới cho Hàn Quốc
05:30'
Thương mại là trụ cột quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trong năm 2024, xuất khẩu chiếm 39,1% GDP của Hàn Quốc và nền kinh tế này khó có thể tái cân bằng khỏi xuất khẩu trong tương lai gần.
-
Phân tích - Dự báo
EU đứng trước lựa chọn "đắng" trong thỏa thuận thương mại với Mỹ
06:30' - 13/07/2025
Tờ Financial Times bình luận một thoả thuận thương mại tiềm năng với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến Liên minh châu Âu (EU) chịu thuế quan cao hơn so với Anh.
-
Phân tích - Dự báo
Mỹ đối mặt với hỗn loạn thương mại
05:30' - 13/07/2025
Giữa những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, Tổng thống Donald Trump đã chọn cách "tiêm thêm một liều thuốc bất ổn nữa".
-
Phân tích - Dự báo
Tuần lễ đỏ lửa của thuế quan: Chính sách thương mại Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt
16:10' - 12/07/2025
Tuần này, Tổng thống Mỹ đã đẩy mạnh các phát ngôn về thương mại, gửi đi hơn 20 lá thư tới chính phủ các nước, trong đó đề xuất các mức thuế quan mới nếu các thỏa thuận không được đạt trước ngày 1/8.
-
Phân tích - Dự báo
Thời điểm bản lề đối với nền kinh tế Indonesia
06:30' - 12/07/2025
Indonesia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các động lực bên ngoài, bao gồm cuộc chiến thuế quan đang diễn ra, đặc biệt là giữa các cường quốc, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
-
Phân tích - Dự báo
Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chơi công nghệ lớn?
05:30' - 12/07/2025
Vài tuần sau khi chính phủ mới của Hàn Quốc nhậm chức, thị trường đã định giá sẵn những kỳ vọng lạc quan nhất dành cho ngành công nghệ Hàn Quốc thông qua việc chỉ số KOSPI liên tục tăng nóng.
-
Phân tích - Dự báo
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự báo tiếp tục tăng mạnh
16:07' - 11/07/2025
Theo báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới năm 2025 do OPEC công bố ngày 11/7, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức gần 123 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
-
Phân tích - Dự báo
Bài học từ "thập kỷ mất mát": Trung Quốc có đi vào vết xe đổ của Nhật Bản?
06:30' - 11/07/2025
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước những thách thức mang tính cấu trúc, bài học từ Nhật Bản về các điểm bất hợp lý trong chính sách cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
-
Phân tích - Dự báo
Xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành vận tải biển
05:30' - 11/07/2025
Vận tải biển, chiếm hơn 80% giá trị thương mại toàn cầu và đóng góp hơn 900 tỷ USD/năm vào nền kinh tế đại dương, sắp bước vào giai đoạn chuyển đổi toàn diện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.