Cường quốc G7 đề xuất tăng thuế du lịch

10:35' - 04/09/2024
BNEWS Chính phủ Italy đang đề xuất đánh thuế lên tới 25 euro (27,6 USD)/đêm với tiền cho thuê của hầu hết các loại phòng khách sạn đắt tiền, nhằm giảm quá tải du khách của nước này.
Chính phủ Italy đang đề xuất đánh thuế lên tới 25 euro (27,6 USD)/đêm đối với tiền cho thuê của hầu hết các loại phòng khách sạn đắt tiền, mục tiêu là để giúp các thành phố đang phải vật lộn với tình trạng quá tải du khách của nước này.

Theo tờ Financial Times (FT), đề xuất ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ các hiệp hội trong ngành khách sạn và du lịch Italy. Federalberghi, một hiệp hội đại diện cho các khách sạn vừa và nhỏ, tuyên bố mục tiêu chung phải là hỗ trợ tăng trưởng, chứ không phải cản trở tăng trưởng.

 
Trong khi đó, bà Barbara Casillo, Giám đốc của Confindustria Alberghi - đại diện cho các khách sạn lớn hơn và các chuỗi khách sạn toàn cầu, cảnh báo rằng Italy đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các điểm đến khác ở châu Âu và có thể thua lỗ khi tăng thuế du lịch, vốn "đã rất cao".

Trả lời phỏng vấn liên quan tới đề xuất tăng thuế du lịch, bà Casillo nói: “Nếu chúng ta ‘dọa’ du khách đến với chúng ta bằng cách tạo ấn tượng rằng chúng ta muốn ‘bóc lột’ họ, thì chúng ta không phục vụ tốt cho đất nước. Chúng ta phải rất cẩn thận”.

Bộ Du lịch Italy cho biết họ đang lên kế hoạch “đối thoại” với các cơ quan công nghiệp có liên quan trong tháng 9, về “đề xuất có thể sửa đổi những quy tắc thuế du lịch”.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội gần đây, Bộ trưởng Santanchè viết: “Không phải tất cả các loại thuế đều là thuế. Trong thời kỳ du lịch quá mức, chúng ta đang tranh luận về vấn đề này để thực sự giúp cải thiện dịch vụ và khiến du khách trả thuế có trách nhiệm hơn”.

Bà Marina Lalli, Chủ tịch của Federturismo — đại diện cho tất cả các công ty du lịch, phàn nàn rằng nhiều thành phố đã sử dụng doanh thu thuế du lịch một cách "bất hợp pháp” để lấp lỗ hổng ngân sách.

Luật hiện hành yêu cầu các thành phố của Italy phải sử dụng các khoản tiền thu được từ thuế du lịch để chi trả cho những thứ có liên quan trực tiếp đến du khách ngoại tỉnh và du khách quốc tế — như biển báo đa ngôn ngữ và bảo trì các điểm du lịch.  Bà Lalli nói: “Khi bạn đi sửa chữa những con phố đầy ổ gà — và trả bằng tiền thu được từ thuế du lịch — thì đây có thực sự là dành cho khách du lịch hay đây là điều bình thường, thông thường mà bạn nên làm ở thành phố của mình?”

Cuộc tranh luận diễn ra khi Italy phải đối mặt với áp lực nặng nề về tài chính công, với gánh nặng nợ nần mà theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là sẽ đạt gần 140% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Chi phí trả nợ hàng năm của Italy hiện gần bằng chi tiêu cho giáo dục công.

Ngành du lịch của Italy đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 với các hiệp hội trong ngành ước tính lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này trong năm 2023 là 65 triệu người - ngang bằng với mức trước đại dịch.

Nhưng nhiều người dân Italy đang phản đối hậu quả của tình trạng du lịch quá mức, vì các trung tâm thành phố lịch sử mất đi bản sắc truyền thống và ngày càng nhiều căn hộ ở thành thị được chuyển đổi thành nhà cho thuê nghỉ dưỡng ngắn hạn.

Các thành phố của Italy có thể áp dụng thuế cho các kỳ nghỉ qua đêm của cả du khách nước ngoài và du khách Italy. Hiện tại, mức thuế này thường dao động từ 1-5 euro/người/đêm, tùy thuộc vào số sao (ký hiệu xếp hạng tiêu chuẩn và chất lượng trong lĩnh vực lưu trú) của khách sạn hoặc nhà nghỉ.

Theo Ngân hàng Trung ương Italy, trong năm 2019, trước đại dịch COVID-19, gần 1.200 thành phố đã thu được tổng cộng 470 triệu euro (519,59 triệu USD) tiền thuế du lịch. Nhưng số tiền thu được đã tăng lên ước tính 775 triệu euro vào năm 2023 sau khi chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni quyết định cho phép các điểm đến phổ biến nhất trong thành phố - với lượng du khách nước ngoài hàng năm cao gấp 20 lần so với dân số địa phương - tăng thuế du lịch lên tới 10 euro/người/đêm.

Năm nay, thành phố Venice đã thử nghiệm thu phí vào cửa đối với những du khách đi trong ngày đến thăm trung tâm lịch sử của thành phố. Đề xuất mới nhất của chính phủ đề xuất tăng trần thuế du lịch lên 5 euro/phòng/đêm đối với phòng có giá dưới 100 euro; 10 euro một đêm cho các phòng có giá từ 100 euro đến 400 euro; 15 euro cho các phòng có giá từ 400 euro đến 750 euro; và 25 euro cho các phòng có giá trên 750 euro.

Các quy định cũng nêu rõ rằng những khoản tiền này có thể hỗ trợ thu gom rác thải du lịch. Bà Lalli nói: "Việc có một thành phố trông tử tế là rất quan trọng - ít nhất là ở các khu vực du lịch - nhưng không chỉ đơn thuần là chúng ta nên sử dụng tiền từ khách du lịch để sửa chữa những thứ xảy ra ở các khu vực mà khách du lịch thậm chí không đến".

Nhưng đề xuất này có thể được người dân ở các trung tâm đô thị hoan nghênh, do họ hiện đang phải vật lộn để đối phó với lượng du khách quá đông. Ông Eike Schmidt, cựu giám đốc Phòng trưng bày Uffizi của thành phố Florence và hiện là thành viên hội đồng thành phố, cho biết: "Du lịch làm căng thẳng toàn bộ cơ sở hạ tầng của thành phố. Italy nằm cách xa Bhutan, nhưng việc có những đóng góp lớn hơn từ khách du lịch là hoàn toàn đúng đắn".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục