Cựu Chủ tịch Nissan Motor sẽ không bị dẫn độ về Nhật Bản nếu Liban không cho phép

17:25' - 31/12/2019
BNEWS Việc cựu Chủ tịch Nissan Motor Carlos Ghosn bí mật trốn sang Liban nhằm tránh bị xét xử tại Nhật Bản về những sai phạm tài chính đã gây bất ngờ cho cả trong nước và quốc tế.
Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố ngày 31/12, ông Junichiro Hironaka - thành viên thuộc đoàn luật sư bào chữa - cho biết ông rất bất ngờ trước thông tin trên. Ông khẳng định không biết gì về động thái của ông Ghosn cho đến khi thông tin về việc thân chủ của ông trốn sang Liban được công bố ngày 30/12.

Theo ông, nếu cựu lãnh đạo Nissan thực sự rời Nhật Bản, đây có thể xem là hành vi vi phạm quy định bảo lãnh và không thể dung thứ. Ngoài ra, ông Hironaka cho biết cả cuốn 3 hộ chiếu của ông Ghosn do Anh, Brazil và Liban cấp, hiện vẫn do các luật sư cất giữ.

Ngày 31/12, Thứ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông tin ông Ghosn đã tới Liban. Bà khẳng định không một ai được phép vi phạm luật pháp. Tuy nhiên, do mang quốc tịch Pháp, ông Ghosn sẽ có thể nhận được hỗ trợ về lãnh sự.

Cùng ngày, thông qua người đại diện, ngày 31/12, ông Ghosn đã xác nhận bản thân đang ở Liban - quê hương của vợ và cũng là nơi ông sinh ra, theo thông tin của tờ The Wall Street Journal.

Tờ The Financial Times ngày 30/12 đưa tin ông Ghosn đã tới sân bay quốc tế Rafic al-Hariri ở thủ đô Beirut vào tối một ngày trước đó. Trong khi đó, báo Al-Joumhouria tiếng Liban đưa tin ông Ghosn đã tới Liban bằng máy bay riêng khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tuyên bố ngày 31/12, Tòa án quận Tokyo khẳng định quy định về bảo lãnh tại ngoại đối với ông Ghosn vẫn không có gì thay đổi, theo đó, duy trì lệnh cấm ông Ghosn xuất ngoại, ông cũng không được phép gặp mặt vợ là người Liban tại Nhật Bản nếu không được cấp phép đặc biệt. Tuy nhiên, theo thông tin được công bố gần đây, tòa án Tokyo đã cho phép ông được nói chuyện với vợ qua video.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này và Liban không có hiệp ước dẫn độ và điều này đồng nghĩa với việc ông Ghosn có thể không được đưa trở lại Nhật Bản nếu không được phép của Liban.

Ông Ghosn, người lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ô tô Renault SA (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản), đã bị buộc tội không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỷ yên (83 triệu USD) trong 8 năm tính đến hết tháng 3/2018.

Ngoài tội danh không kê khai khoản thù lao hàng triệu USD nói trên, ông cũng bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân. Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh. 

Cựu Chủ tịch Nissan bị bắt giữ hồi tháng 11/2018 với các cáo buộc gian lận tài chính. Ông được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh. Dự kiến, Tòa án Tokyo bắt đầu xét xử ông này vào tháng 4/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục