Đã có hơn 111.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank

07:30' - 05/07/2018
BNEWS Ngân hàng lưu động Agribank được tích hợp trên xe ô tô chuyên dụng với kết nối công nghệ hiện đại qua cổng sim 4G và có đầy đủ chức năng của một phòng giao dịch ngân hàng.

Trung thành với tôn chỉ phục vụ “Tam nông”, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn tìm cách đưa sản phẩm của mình đến với đồng bào ở mọi vùng miền của đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng Agribank đã thực hiện được 1.081 phiên giao dịch ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Với mục tiêu đó, đề án Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa được Agribank chính thức triển khai từ tháng 1/2018 đến nay đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Sau 6 tháng triển khai mô hình Điểm giao dịch lưu động tại 62 tỉnh, thành phố với tổng số 68 xe, đến nay, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng Agribank đã thực hiện được 1.081 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 111.000 khách hàng tại địa bàn nông thôn với tổng số tiền giải ngân đạt 624 tỷ đồng.

Một số điểm giao dịch lưu động đã thu hút lượng lớn khách hàng và hoạt động hiệu quả cao như Agribank Mộc Châu (Sơn La), Agribank Hữu Lũng (Lạng Sơn), Agribank Lâm Thao (Phú Thọ), Agribank Nho Quan (Ninh Bình), Agribank Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Agribank Đăk Glong (Đăk Nông), Agribank Xuân Lộc (Đồng Nai)...

“Đây là lần đầu tiên tôi được giao dịch với cán bộ ngân hàng thông qua xe ô tô lưu động. Trước đây, mỗi lần cần giao dịch với ngân hàng, chồng hoặc con tôi phải chở bằng xe máy ra tận ngoài ngân hàng huyện, đi lại rất vất vả và mất rất nhiều thời gian.

Bây giờ, có ngân hàng lưu động, người dân chúng tôi sẽ tiết kiệm được xăng xe đi lại cũng như thời gian. Giả sử có thiếu giấy tờ gì liên quan có thể về nhà lấy được ngay”, một người dân bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vui mừng chia sẻ sau khi thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động của Agribank.

Ngân hàng lưu động Agribank được tích hợp trên xe ô tô chuyên dụng với kết nối công nghệ hiện đại qua cổng sim 4G và có đầy đủ chức năng của một phòng giao dịch ngân hàng cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ như: nhận gửi tiền, rút tiền gửi không kỳ hạn; tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của cá nhân và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của Agribank áp dụng cho điểm giao dịch lưu động; tư vấn tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn của khách hàng trên địa bàn; cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do Agribank phát hành và nhiều tiện ích khác…

Thực tế, những chiếc xe ô tô ngân hàng lưu động của Agribank không chỉ giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận vốn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, mà còn giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới, củng cố vị thế, uy tín của ngân hàng.

Hơn 6 tháng kể từ ngày khai trương mô hình thí điểm, hai chiếc xe ngân hàng lưu động của Agribank chi nhánh Xuân Lộc (Đồng Nai) hàng ngày cần mẫn trên mọi cung đường, đến với những xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện miền núi nhiều tiềm năng sản xuất nông nghiệp nhất nhì vùng Đông Nam bộ. Có thời điểm hoạt động của 2 xe ngân hàng lưu động tại địa bàn 4 xã xa nhất của huyện Xuân Lộc chiếm tới 50% tổng giao dịch của toàn chi nhánh.

Mô hình ngân hàng lưu động giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

“Chúng tôi luôn cố gắng làm thế nào để gần dân nhất, tiện cho dân nhất. Đề án ngân hàng lưu động là chủ trương lớn của Agribank nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của người dân khi tiếp cận vốn và các mảng dịch vụ của ngân hàng”, ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Agribank Xuân Lộc cho biết.

Tại Thanh Hóa, những vệt bánh xe ngân hàng lưu động Agribank lăn bánh tới các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ngọc Lặc, mang tới một mô hình ngân hàng thu nhỏ, mang theo những khao khát thu hẹp khoảng cách với vùng sâu vùng xa, đưa đến cơ hội tiếp cận tín dụng để thay đổi sinh kế, thay đổi cuộc đời.

Ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Agribank Thanh Hóa, cho biết: “Việc tích góp đồng tiền của người dân miền núi bây giờ khác trước rồi. Nay họ làm ăn đã biết tích góp và biết sử dụng đồng tiền cho đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nuôi con ăn học. Vì thế nhu cầu tiếp cận với dịch vụ ngân hàng là điều không thể thiếu để người dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao đời sống”. 

"Trước đây mỗi khi cần giao dịch chúng tôi phải ra khu vực trung tâm khoảng hơn 6 km để giao dịch. Nay Agribank đưa "ngân hàng di động" về xã thật tiện lợi vô cùng. Chỉ sau 6 phút tôi đã chuyển tiền tới tay con trai đang học tập ở Hà Nội", bà Trần Thị Hồng khách hàng của Agribank Ngọc Lặc cho biết.

Với những kết quả tích cực bước đầu đạt được, có thể nói, Điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả Agribank và khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục