Đại dịch COVID-19 có thể làm GDP của Trung Mỹ giảm 4% trong năm nay

08:56' - 29/04/2020
BNEWS Ngày 28/4, Viện Nghiên cứu Tài chính Trung Mỹ (Icefi) đưa ra cảnh báo khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này giảm 4% trong năm nay.

Trong một diễn đàn trực tuyến, Icefi đưa ra bốn kịch bản cho diễn biến của nền kinh tế của khu vực “eo châu Mỹ” này, với những hệ quả tiêu cực đến từ việc giãn cách xã hội, giá dầu thô sụt giảm, nguồn thu từ thuế sụt giảm và các biện pháp tài chính đặc biện cho tình trạng khẩn cấp.

Theo đó, kịch bản tồi tệ nhất có thể dẫn tới mức tăng trưởng – 4%, gần như đồng đều cho cả sáu quốc gia trong khu vực, gồm Honduras, Guatemala, Nicaragua, El Salvador, Costa Rica và Panama (Belize cũng thuộc Trung Mỹ nhưng trong nhiều thể chế và phân tích kinh tế thường được ghép vào khu vực Caribe), với tác động tiêu cực nhất là việc tê liệt hoạt động kinh tế trong hơn một tháng qua.

Còn theo kịch bản khả quan nhất, GDP của Trung Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 1,5% trong năm nay, với Panama là quốc gia có chỉ số tích cực nhất (2,6%), tiếp đó lần lượt là Honduras và Guatemala (đều ở mức trên 1,8%), Costa Rica và El Salvador (gần 1,8%); và cuối cùng là Nicaragua (0,3%).

Trong nghiên cứu của mình, Icefi kết luận, dựa trên những thông số dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), rằng sẽ có một “viễn cảnh u ám đối với khu vực, đặc trưng bởi sụt giảm kinh tế tại tất cả các quốc gia, cũng như tăng nợ công và thâm hụt ngân sách, cùng rủi ro lớn hơn về tính bền vững và nhạy cảm tài chính”.

Tổ chức này cũng lường trước tác động lớn của đại dịch đối với hiện trạng an sinh xã hội và phát triển kinh tế do “mức độ bất bình đẳng xã hội trong việc tiếp cận hệ thống y tế, bảo trợ và hỗ trợ xã hội, cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Thêm vào đó là các yếu tố như “tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói thường xuyên vốn ở mức cao, mất khả năng sản xuất cho cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu...”.

Icefi nhận định các yếu tố quyết định dẫn tới khủng hoảng kinh tế là sự sụt giảm “khoảng 1/3 thu nhập từ du lịch, 20% nguồn kiều hối gia đình, cùng 20% giá trị xuất khẩu, chưa kể tới việc đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế trong vòng bốn tuần”.

Tất cả các kịch bản mà Icefi đưa ra đều bao gồm khả năng “mất một số lượng lớn việc làm”, với mức dự báo tồi tệ nhất là khoảng 1,9 triệu việc làm tại sáu quốc gia. Do đó tổ chức này khuyến cáo hiện tượng thất nghiệp cần được ứng phó một cách khẩn cấp.

Thể chế khu vực này cũng khuyến nghị về “nhu cầu cấp bách của các thỏa thuận tài chính” để tạo điều kiện cho các hoạt động đảm bảo tăng trưởng bền vững, một nền tảng bảo trợ xã hội rộng rãi hơn hướng tới phúc lợi toàn dân.

Icefi khuyến khích việc củng cố vai trò của Nhà nước, đặc biệt trong việc thúc đẩy Nghị trình phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc tại khu vực và áp dụng mô hình chia sẻ trách nhiệm..

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Trung Mỹ là 7.462 người, trong đó có 250 ca tử vong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục