Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 29/4

06:17' - 29/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 sáng 29/4, trong tổng số 217.203 người đã thiệt mạng trên toàn thế giới, Mỹ vẫn là quốc gia có số người thiệt mạng lớn nhất với 58.719 trường hợp.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến 6h sáng ngày 29/4 (giờ Việt Nam) trên trang worldometers.com cho thấy, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 217.203 người trên toàn thế giới, với 90% số ca tử vong là tại châu Âu và Mỹ.

Trong bảng cập nhật số liệu mới nhất dịch COVID-19, Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới vớI 1.031.575 ca mắc và 58.719 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ lần lượt chiếm gần 33% và hơn 27% trong tổng số ca mắc và tổng số ca tử vong của thế giới.

Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha vớI 232.128 ca mắc bệnh và 23.822 ca tử vong. Italy có 201.505 ca mắc bệnh và 27.359 ca tử vong. 

Ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới là Pháp với 165.911 ca nhiễm và 23.660 ca tử vong. Đứng sau Pháp là Đức, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran. Trung Quốc đại lục là nước đã tụt xuống vị trí thứ 10 trong số 210 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. 

Tính chung trên thế giới 24h qua đã có 71.713 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm virus này lên 3.131.659 triệu người.

Thế giới cũng hiện có 951.305 bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi trong khi vẫn còn khoảng 56.540 bệnh nhân nặng và nguy kịch, chiếm 3% tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị.

Còn tại Việt Nam, tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h ngày 29/4: Việt Nam bước sang ngày thứ 13 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số người mắc COVID-19 ở Việt Nam là 270 ca. Hiện 48 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 222 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh. 

>>> Cập nhật COVID sáng 29/4: Việt Nam không có ca mới, 1 ca dương tính lại sau khỏi bệnh

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

*Tín hiệu tích cực từ tâm dịch của nước Mỹ

Tại tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước Mỹ là New York, số người nhập viện vì nhiễm SARS-CoV-2 trong 3 ngày liên tiếp vừa qua đã xuống thấp dưới 1.000 người, mức thấp nhất kể từ ngày 24/3.

New York sẽ cho phép mở lại hoạt động ở những khu vực mà tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với thành phố New York, tâm dịch của bang. Theo đó, những vùng muốn được mở cửa hoạt động trở lại phụ thuộc vào một số chỉ số như: số giường bệnh sử dụng cho dịch bệnh chiếm dưới 70% và tỷ lệ lây nhiễm dưới mức 1,1 - tức là trung bình cứ 1 người nhiễm thì lây cho 1,1 người khác.

New York cũng sẽ sử dụng khoảng 30 máy truy xuất tiếp xúc (contact tracers) đối với mỗi 100.000 người và như vậy với dân số của bang là 19 triệu sẽ cần khoảng 5.700 nhân viên để thực hiện việc này nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan hoặc bùng phát trở lại.

Tuy nhiên, Đại học Y Washington lại dự báo số ca tử vong ở Mỹ có thể lên hơn 74.000 vào ngày 4/8 tới, cao hơn nhiều so với mức gần 67.000 người mà viện trên đưa ra 1 tuần trước, song thấp hơn so với mức dự báo 90.000 người cách đây khoảng 1 tháng. Theo dự báo này, số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ sẽ tăng nếu các bang mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm. Hiện một số bang của Mỹ đã nới lỏng các hạn chế kinh doanh.

>>>Đại học Y Washington dự báo số ca tử vong ở Mỹ có thể hơn 74.000 người vào tháng 8

Trong bối cảnh các bang ở Mỹ đang rục rịch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19, các hãng hàng không lớn của nước này đã thông báo các biện pháp y tế và an toàn mới nhằm bảo vệ hành khách và phi hành đoàn khỏi nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Theo đó, từ ngày 28/4 (giờ Mỹ), mọi nhân viên sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không thể đảm bảo giãn cách xã hội; còn hành khách có thể đeo khẩu trang hoặc không tuỳ vào từng hãng hàng không.

*ECB khẳng định việc sử dụng tiền giấy vẫn an toàn trong dịch bệnh

Ngày 28/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 từ tiền giấy euro là không lớn, sau khi kết quả kiểm tra cho thấy virus bám trên các bề mặt khác lâu hơn rất nhiều.

Các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm ở châu Âu cho thấy trong vài giờ đầu tiên, tỷ lệ sống sót của virus SARS-CoV-2 trên các bề mặt thép không rỉ, như tay nắm cửa, cao hơn 10 cho đến 100 lần so với trên bề mặt tiền giấy euro. 

Các phân tích khác cho thấy việc virus chuyển sang người từ các bề mặt như tiền giấy là khó hơn rất nhiều so với từ các bề mặt trơn nhẵn như nhựa. 

Với các kết quả trên, ECB kết luận rằng so với những vật liệu khác mà con người tiếp xúc hàng ngày, tiền giấy không phải là nguy cơ lây nhiễm lớn. Tuy nhiên, ECB không đề cập về việc có nghiên cứu nguy cơ lây nhiễm từ đồng tiền xu euro hay không.

Ước tính hơn 340 triệu người tại khu vực Eurozone đang sử dụng tiền euro. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu của người tiêu dùng trong khu vực, chiếm 75% các giao dịch. 

*EU thống nhất lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế

Sau khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất về “Lộ trình Dỡ bỏ lệnh phong tỏa” tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tuần trước, một số nước thành viên đã nới lỏng và công bố kế hoạch hủy bỏ các biện pháp hạn chế.

Tây Ban Nha đã thông báo kế hoạch gồm 4 giai đoạn nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc, được áp đặt để kiểm soát một trong những nơi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nghiêm trọng nhất thế giới, với mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trước cuối tháng 6.

Thủ tướng Sanchez cho biết, việc dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt sẽ bắt đầu vào ngày 4/5 và khác nhau giữa các vùng, phụ thuộc vào các nhân tố như tỷ lệ mắc bệnh, số giường trong khu điều trị đặc biệt tại mỗi địa phương cũng như cách mỗi vùng tuân thủ các quy tắc giãn cách.

Italy, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, cũng rất thận trong khi đưa ra các quyết định gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Theo đó, việc mở cửa trường học sẽ chỉ bắt đầu vào tháng Chín.

Từ ngày 4/5, các công viên sẽ được mở cửa trở lại, người dân cũng sẽ được đi thăm, gặp gỡ người thân, được phép tụ tập nhưng với số lượng hạn chế và phải giữ khoảng cách an toàn. Ngoài ra, các quán bar, nhà hàng sẽ được phép mở lại vào ngày 4/5, tuy nhiên, chỉ được phép bán đồ ăn mang về. Bên cạnh đó, kể từ ngày 18/5, tất cả các hoạt động thương mại bán lẻ cũng như các viện bảo tàng, các địa điểm văn hóa và thư viện sẽ được mở cửa trở lại.

Tại Pháp, từ ngày 11/5, phần lớn hoạt động thương mại có thể được hoạt động trở lại, tuy nhiên, nhà hàng và quán cà phê vẫn chưa được mở và tới nay chưa ấn định thời điểm cụ thể cho hai loại hình kinh doanh này. Chính phủ Pháp sẽ đưa ra quyết định vào cuối tháng Năm. 

Theo đó, sau giai đoạn nới lỏng đầu tiên vào ngày 11/5, giai đoạn hai sẽ bắt đầu từ ngày 2/6 và kéo dài trong 3 tuần, với các biện pháp phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học sẽ từng bước mở cửa từ 11/5, một số trường trung học cơ sở từ 18/5. Học sinh trung học phổ thông sẽ không đến trường trước tháng 6.

Đối với Bỉ, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch rõ ràng về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong những ngày tới. Từ ngày 11/5, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại. Từ ngày 18/5, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại.

Tại Đức, giải bóng đá vô địch quốc gia của nước này được dự kiến khởi động lại vào ngày 8/5. Tuy nhiên, chắc chắn các trận bóng sẽ diễn ra mà không có khán giả và có lẽ các cầu thủ sẽ phải trang bị khẩu trang khi thi đấu trên sân cỏ, đây là khuyến nghị của Bộ Lao động Đức.

Đức cũng sẽ xét nghiệm đại trà với khoảng 4,5 triệu người mỗi tuần và các công ty bảo hiểm y tế theo luật định phải chịu chi phí cho các cuộc xét nghiệm này. 

Tại Anh, chương trình xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ mở rộng đến nhiều nhóm người trong xã hội, gồm những người trên 65 tuổi với những triệu chứng bị mắc bệnh, và tất cả những người sống trong khu dưỡng lão.

Anh đang trong lộ trình tiến tới mục tiêu đưa số người được xét nghiệm lên tới 100.000 người/ ngày và nâng số ca tự xét nghiệm tại nhà từ 5.000 người lên tới 25.000 người vào cuối tuần này

Tuy nhiên, tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố kéo dài giai đoạn nghỉ việc tới ngày 11/5 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Các lệnh hạn chế tại Nga theo dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng 4, song Tổng thống Putin cảnh báo Nga vẫn chưa chạm đỉnh dịch. Ông đã chỉ thị cho chính phủ đưa ra các biện pháp mới nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế và người dân cũng như chuẩn bị những khuyến cáo về việc dần nới lỏng phong tỏa trước ngày 5/5.

        Video: Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 3 triệu người

*Olympic Tokyo có khả năng bị hủy nếu đại dịch kéo dài

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên thế giới đã khiến Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2020 bị lùi tổ chức lại một năm, với thời điểm mới được ấn định cho lễ khai mạc là vào ngày 23/7/2021.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Olympic Tokyo 2020 Yoshiro Mori, sự kiện này thậm chí sẽ bị hủy nếu đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đeo bám dai dẳng trong năm 2021.

Ông Mori cũng cho rằng các nhà tổ chức nên xem xét việc tổ chức chung lễ khai mạc và bế mạc cho cả hai sự kiện Olympic và Paralympic (đại hội thể thao thế giới dành cho người khuyết tật) nhằm cắt giảm chi phí.

Theo đề xuất này, Paralympic sẽ có chung lễ khai mạc cùng Olympic vào ngày 23/7/2021, và lễ bế mạc Olympic sẽ được tổ chức vào thời điểm kết thúc Paralympic trong tháng 9.

*Diễn biến mới nhất dịch COVID-19 tại châu Á

Theo số liệu mới của giới chức y tế Nhật Bản vào tối 28/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng thêm 247 ca lên 13.860 ca. Số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên 420 ca, bao gồm các ca trên du thuyền đang bị cách ly ngoài khơi Yokohama.

Tokyo vẫn là tâm dịch của Nhật Bản với tổng cộng 4.059 ca nhiễm, chiếm 1/3 tổng số ca, tiếp đó là Osaka với 1.553 ca.

Nhật Bản sẽ quyết định việc gia hạn tình trạng khẩn cấp hoặc bãi bỏ sau ngày 6/5 sau khi lấy thêm ý kiến của nhiều chuyên gia.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo tính tới 10h ngày 28/4 (giờ địa phương) nước này ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 10.752 ca và 244 ca.

Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc ở mức từ 15 ca trở xuống. Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng đã đến lúc xem xét cho học sinh trở lại trường học trong bối cảnh nước này chuyển phương thức phòng dịch sang giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường kể từ ngày 6/5 tới, trong đó ưu tiên cho mở lại trường lớp trước đối với các học sinh lớp 9 và lớp 12 đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lên cấp và đại học.

Bộ Y tế Singapore ngày 28/4 đã xác nhận thêm 528 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 14.951 trường hợp. Đây là mức tăng hằng ngày thấp nhất trong khoảng 2 tuần qua.

Hầu hết các ca nhiễm mới tại Singapore là những lao động nhập cư sống tại các khu tập thể chật chội. Trong khi dịch COVID-19 đang lây lan nhanh tại các khu tập thể của lao động nhập cư tại Singapore, số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng ngoài lao động nhập cư đã giảm với tỷ lệ trung bình 20 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua. Hiện Singapore, một trong số những quốc gia có nhiều ca bệnh nhất ở châu Á, đã ghi nhận 4 ca tử vong do COVID-19.

Tại Thái Lan, Nội các nước này ngày 28/4 đã thông qua đề xuất của Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 (CCSA) gia hạn thêm 1 tháng Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, bắt đầu từ 1/5.

Lệnh giới nghiêm ban đêm từ 10h tối hôm trước tới 4h sáng hôm sau vẫn sẽ có hiệu lực trong thời gian kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, tuy nhiên một vài hạn chế khác sẽ được nới lỏng.

Cũng trong ngày 28/4, Nội các Thái Lan đã quyết định không hoãn các ngày nghỉ lễ trong tháng 5 theo đề nghị của CCSA. 

Thái Lan ngày 28/4 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số, với 7 ca, và 2 ca tử vong mới. Đây cũng là số ca nhiễm thấp nhất trong một ngày ở nước này kể từ ngày 14/3. 

Thái Lan cũng tự sản xuất Favipiravir điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Hiện tại, Bộ Y tế Thái Lan có 200.000 viên Favipiravir trong kho, ít hơn 1 triệu viên so với chỉ tiêu đề ra. Số thuốc này đủ để điều trị cho 3.000 bệnh nhân COVID-19. Do những tác dụng phụ và số lượng hạn chế, Bộ quyết định chỉ sử dụng Favipiravir cho những ca bệnh nặng.

Tại Malaysia, nước này đã bước vào giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, sau khi số các ca nhiễm mới đã liên tục giảm trong những ngày gần đây. Cụ thể, Malaysia chỉ ghi nhận 31 ca nhiễm mới trong ngày 28/4 - mức thấp nhất kể từ khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện ngày 18/3 vừa qua. 

*Mỹ Latinh chao đảo trong đại dịch

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công khu vực Mỹ Latinh muộn hơn so với phần còn lại của thế giới khi phải tới ngày 26/2 mới ghi nhận trường hợp đầu tiên là một người đàn ông quốc tịch Brazil sinh sống tại thành phố Sao Paolo  trở về nước sau chuyến đi tới Italy, thời điểm đó đang trở thành tâm điểm của thế giới. 

Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, số bệnh nhân mắc COVID-19 ở cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã tăng chóng mặt, đến sáng 28/4 ghi nhận gần 170.000 ca, trong đó hơn 8.300 ca tử vong. 

Dường như các nước khu vực chưa lường hết được tốc độ xâm nhập nhanh chóng không thể kiểm soát của “kẻ thù vô hình” mang tên COVID-19, mặc dù có thể nói rằng Mỹ Latinh có nhiều thời gian hơn các nước ở những khu vực khác để chuẩn bị các biện pháp đối phó.

Hầu hết các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, ngoại trừ Chile và Brazil, đều đứng trước thực trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tế để đối phó với dịch COVID-19. Tại các quốc gia như Honduras và Venezuela, mật độ y tá và điều dưỡng chỉ ở mức dưới 10 người/10.000 dân, trong khi tại Bolivia và Colombia con số này là từ 10 đến 19 người./.

         

CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục