Đà Nẵng hoàn thiện quy hoạch làm động lực phát triển kinh tế

15:11' - 01/02/2022
BNEWS Đà Nẵng cần phát triển thành trung tâm giao thương quốc tế, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách, là một biểu tượng và niềm tự hào về sự vươn mình vượt qua khó khăn, trở ngại.

Thành phố cần sớm hoàn thiện các quy hoạch, thúc đẩy sự liên kết phát triển, tương tác sâu sắc với các địa phương lân cận. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương hồi tháng 1 vừa qua.

* Thay đổi diện mạo đô thị sau 25 năm

Trải qua hành trình 25 năm trực thuộc Trung ương (1/1/1997-1/1/2022), thành phố Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Theo Tiến sỹ Đặng Việt Dũng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng), trong giai đoạn trước năm 1997, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố Đà Nẵng là sự bó hẹp của địa giới hành chính, hạn chế phát triển không gian đô thị.

Cụ thể, trước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam, có diện tích đất tự nhiên là 9.515 ha; trong đó đất đô thị chiếm 54%, dân số 519.384 người (năm 1996). Diện tích đô thị nhỏ hẹp, lại bị chia cắt bởi sông, núi nên không gian đô thị bị nát vụn, thiếu liên kết, thiếu không gian phát triển.

Từ những năm 1975 đến năm 1997, bộ mặt đô thị Đà Nẵng không có nhiều thay đổi, vẫn tồn tại những khu "nhà chồ" tạm bợ trên mặt sông, đường phố chật hẹp, khu chức năng đô thị lẫn lộn...

 

Đến khi chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng được sáp nhập thêm diện tích huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa, mở rộng gấp 13,4 lần so với diện tích cũ. Trên cơ sở đó, thành phố tập trung phát triển hạ tầng, giao thông, không gian đô thị.

Hàng loạt công trình giao thông huyết mạch của thành phố Đà Nẵng đã được hoàn thiện, gồm: Nhà ga hàng không Quốc tế, Cầu vượt Ngã Ba Huế, Cầu vượt Hòa Cầm, các cây cầu lớn bắc qua sông Hàn...

Đường sá mở đến đâu, đô thị phát triển đến đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố cũng không ngừng tăng cao. Năm 2021, quy mô kinh tế gấp 12 lần năm 1997, tổng thu ngân sách gấp 18 lần năm 1997, diện tích đất xây dựng đô thị gấp 3,5 lần năm 1997...

* Còn tồn tại những bất cập

Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng quy hoạch trước đây của thành phố Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số vấn đề, chưa theo kịp các diễn biến mới của thời đại.

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Đặng Huy Đông (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua, Đà Nẵng mới chỉ tập trung vào dịch vụ du lịch và bất động sản; đóng góp của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng còn hạn chế, năng suất lao động thấp.

Việc liên kết vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của Đà Nẵng, do còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các địa phương, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp.

Đồng quan điểm, Bí thư Quận ủy Hải Châu Vũ Quang Hùng cho rằng, Đà Nẵng những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên các khu vực hạ tầng kém vẫn còn khá phổ biến. Dễ nhận thấy, các khu vực đô thị cũ, tự phát có mật độ xây dựng cao, tiếp cận giao thông kém, thoát nước khó khăn, thiếu các thiết chế văn hóa xã hội...

Khi các khu vực đô thị mới ngày càng phát triển thì các khu vực cũ này sẽ ngày càng tụt hậu. Việc tái thiết đô thị tại khu vực trung tâm thành phố theo hướng tái cơ cấu quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển đô thị nén, tạo không gian mở, nâng cao cảnh quan đô thị... là những nhu cầu rất bức thiết hiện nay.

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, là thành phố du lịch nhưng Đà Nẵng chưa có những trung tâm thương mại tầm cỡ, khu vui chơi giải trí đặc sắc xứng tầm thế giới.

Về đô thị, dù đã hình thành nhiều khu đô thị mới nhưng chưa có khu đô thị thật sự khác biệt, một hình mẫu mới như kỳ vọng. Các khu đô thị phần lớn nhằm khai thác quỹ đất nhà ở mà thiếu các động lực kinh tế đi kèm, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ...

* Quy hoạch để trở thành một đô thị lớn

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Đà Nẵng được quy hoạch trở thành một đô thị lớn, thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị: từ một đô thị cấu trúc đơn tâm với trung tâm tại Hải Châu – Thanh Khê, đô thị Đà Nẵng được điều chỉnh thành phát triển đa cực, đa trung tâm với 9 cửa ngõ chính của các đầu mối giao thông hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế...

Đồng thời, xây dựng các trục đô thị, tuyến cảnh quan cây xanh – mặt nước dọc theo sông – biển về các hướng Bắc Nam – Đông Tây để mở rộng và phát huy tối đa tiềm năng của khu vực phía Tây Bắc thành phố.

Bên cạnh đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này cũng nhấn mạnh đề xuất Chiến lược phát triển đô thị thông minh, với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên gắn kế chặt chẽ với hệ thống hạ tầng – dịch vụ đô thị.

Với mô hình quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông và các công nghệ khác trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị, tăng năng lực cạnh tranh và chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho rằng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố và các định hướng của Trung ương. Rất nhiều ý tưởng, giải pháp đã được nghiên cứu, xem xét và tích hợp trong đồ án để giải quyết các hạn chế, yếu kém tồn tại.

Đồ án cũng đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng của thành phố, vốn phụ thuộc lớn vào du lịch; hướng đến các mô hình phát triển tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt là định hướng phát huy vai trò hệ thống cảng biển để làm trọng tâm phát triển kinh tế biển gắn với chiến lược biển, xây dựng thành phố Đà Nẵng hướng ra biển, làm giàu từ biển.

Hiện UBND thành phố Đà Nẵng đã lập kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể hóa quy hoạch với hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm, đầu mục công việc cụ thể. Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng tin rằng với những chiến lược, kế hoạch rõ ràng, cụ thể, thành phố Đà Nẵng sẽ sớm có nhiều đổi thay và trở thành đô thị hiện đại, có bản sắc trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục