Đà Nẵng nỗ lực trở thành điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư quốc tế

15:27' - 27/06/2024
BNEWS Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực để trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Thành phố này đang tích cực xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, với mục tiêu phát triển mạnh mẽ các ngành điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Mở rộng kết nối

Tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Đà Nẵng vừa diễn ra, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư thành phố Đà Nẵng (IPA), cho biết Đà Nẵng luôn xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu về hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và công nghệ cao. Đại diện IPA đã giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của thành phố. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng sang Hàn Quốc ước đạt 45 triệu USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 65 triệu USD. Đà Nẵng cũng đã đón hơn 935.000 lượt du khách Hàn Quốc, chiếm gần 50% tổng số lượt du khách quốc tế đến thành phố.

Về đầu tư, tính đến tháng 3/2024, Đà Nẵng đã thu hút được 278 dự án đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 381 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất và dịch vụ. Xét về số vốn đầu tư, Hàn Quốc xếp thứ 5 trong 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Đà Nẵng. Một số dự án nổi bật của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đà Nẵng có thể kể đến như Nhà máy Sản xuất Thiết bị y tế ICT Vina của Công ty Dentium tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm nghiên cứu giải pháp phát triển linh kiện xe hơi của Tập đoàn LG và Trung tâm Thương mại Lotte Đà Nẵng.

Không riêng Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng là một trong những đối tác quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ ra mắt Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng - Hoa Kỳ.

Tổ công tác xúc tiến hợp tác Đà Nẵng - Hoa Kỳ do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh làm Tổ trưởng, cùng với sự tham gia của Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Nguyễn Xuân Bình và đại diện từ các sở ban ngành liên quan. Phía Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Susan Burns đảm nhận vai trò Tổ trưởng, cùng với các thành viên từ Lãnh sự quán và AmCham Đà Nẵng.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là tham mưu và phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh để xúc tiến các hoạt động hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác Hoa Kỳ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh rằng, việc thành lập Tổ công tác này thể hiện mong muốn của hai bên trong việc đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Susan Burns cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ mong muốn triển khai các phương thức mới để đóng góp vào sự phát triển của Đà Nẵng, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.

Định hướng phát triển

Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng hoạt động hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao bên cạnh du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Theo ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ Nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), để phát triển lĩnh vực này, Đà Nẵng sẽ tập trung vào các giải pháp như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, vào sáng ngày 26/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm, trong đó Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Ông Lê Hoàng Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu phát triển khoảng 5.000 nhân lực vi mạch bán dẫn, hướng tới khát vọng xây dựng một "thung lũng Silicon" tại Đà Nẵng.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trong buổi tiếp xã giao với Đoàn công tác Tập đoàn NVIDIA, do ông Ettikan K.Karuppiah – Giám đốc Công nghệ NVIDIA khu vực Nam Thái Bình Dương dẫn đầu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Chinh tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của NVIDIA, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố và các trường đại học, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động liên quan đến vi mạch bán dẫn và AI, đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào Đà Nẵng 21,9 triệu USD vốn FDI, tăng 12,26% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã cấp mới 27 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 22,789 triệu USD.

Lũy kế đến nay, Đà Nẵng đã thu hút tổng cộng 1.012 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,3 tỷ USD. Thành phố cũng đang là nơi hoạt động của 40.859 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký đạt 258.212 tỷ đồng.

Những con số ấn tượng này không chỉ thể hiện sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Đà Nẵng mà còn phản ánh sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục