Đà Nẵng tìm cách duy trì, khôi phục công nghiệp, công nghệ cao

18:44' - 26/10/2020
BNEWS Trong khi dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp thì Đà Nẵng đang kiểm soát tốt dịch bệnh, là cơ hội để các doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra hướng đi mới phù hợp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát triển mạnh mẽ hơn, là tiền đề cho sự phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp tại Đà Nẵng, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, góp phần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế của thành phố trong bối cảnh hậu COVID-19.

Cụ thể, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và duy trì chấp hành quy định phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, nhà xưởng, khu sản xuất. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng khuyến khích các dự án chuyển đổi từng bước sang mô hình nhà máy thông minh, nhà máy tự động, áp dụng các nền tảng tự động hóa và robot để không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu từ các tỉnh thành ra vào các khu công nghiệp, công nghệ cao; thu hút nguồn nhân lực, người lao động ở các tỉnh lân cận làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Thành phố cũng tiếp tục phối hợp triển khai các gói hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các sở, ngành tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và kết nối doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục định hướng các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất để phục vụ thị trường nội địa với 100 triệu dân và thị trường các nước ASEAN với thị trường sức mua 700 triệu dân; khuyến khích xây dựng các nền tảng trực tuyến giúp các các doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến trao đổi, đàm phán đơn hàng, hợp tác tìm kiếm thị trường, mở rộng và đa dạng chuỗi cung ứng; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với chuyển đổi số, phát triển các nền tảng thương mại điện tử; e-logistics, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, ví điện tử, mobile banking...

Mặc dù Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đến nay về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nguy cơ vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội, việc triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp trên đây sẽ góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.

Hiện nay, tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng có 9/22 dự án đã đi vào hoạt động, sản xuất do các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và trong nước đầu tư. Một số dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư.

Các dự án thu hút vào Khu công nghệ cao chủ yếu là những dự án sản xuất các ngành, lĩnh vực về: công nghệ sinh học, công nghệ nano; thiết bị tự động hóa và linh kiện cho ngành hàng không vũ trụ; nghiên cứu và phát triển tự động hóa, các phần mềm ứng dụng trong công nghiệp 4.0; nghiên cứu và thiết kế, phát triển các sản phẩm điện tử, công nghệ thiết kế chế tạo các vi mạch điện tử tích hợp, thiết bị y tế…

Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao đạt 69,6 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 43,5 triệu USD; đóng góp ngân sách thành phố 199 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục