Đà Nẵng xác định 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn

17:41' - 09/11/2022
BNEWS Công nghiệp hỗ trợ được Đà Nẵng xác định là một trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố.

Những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang tích cực triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao.

Tăng cường liên kết để phát triển

Theo thống kê của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2021 đạt 19.200 tỷ đồng, chiếm 20% toàn ngành công nghiệp.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 110 doanh nghiệp đang hoạt động hoặc có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất trong công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, quy mô ngành công nghiệp Đà Nẵng hiện vẫn còn nhỏ, chưa có phát triển đột phá.

Ngành công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, thu hút đầu tư chưa đạt kỳ vọng, quy mô hiện tại còn rất nhỏ. Sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu... do đó tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cho rằng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là rất cần thiết để tăng tỉ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam. Hiện tại tỉ lệ nội địa hóa trong ngành cao su chiếm tỷ trọng khoảng 30%, hầu hết các hóa chất cơ bản trong chế tạo sản phẩm cao su đều phải nhập từ các quốc gia khác.

Chính vì thế để ngành cao su phát triển tốt thì chính quyền cũng cần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực hỗ trợ, như ngành hóa chất cơ bản. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối cung – cầu để doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp hỗ trợ có thể đẩy mạnh hợp tác, giao thương.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Huỳnh Đức (khu công nghiệp Hòa Khánh Mở Rộng, thành phố Đà Nẵng) đã có hơn 20 năm chuyên cung cấp những sản phẩm và dịch vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và quốc tế.

Theo ông Lâm Phùng Út, Giám đốc điều hành công ty, thành phố Đà Nẵng cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Các thông tin về công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố khi được kết hợp lại sẽ giúp các khách hàng và nhà cung ứng dễ dàng tiếp cận, chủ động kết nối khi có nhu cầu.

Đồng thời, cơ sở dữ liệu dựa trên nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp cũng sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhiều sản phẩm mới phù hợp với xu hướng của thế giới.

Đồng quan điểm, ông Christopher Vanloon, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Đà Nẵng cũng cho rằng rất cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng.

Đồng thời, chính quyền cần kết nối các Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam và Đà Nẵng để chia sẻ thông tin, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trong thời gian tới, Amcham sẽ tiếp tục làm cầu nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ với mạng lưới doanh nghiệp tại Đà Nẵng để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ.

Một trong những điều Amcham quan tâm nhất hiện nay là  việc triển khai và hoàn thiện hạ tầng tại Đà Nẵng; trong đó có triển khai dự án cảng biển mới – Cảng Liên Chiểu, khi dự án hoạt động sẽ giúp thu hút FDI và phát triển thành phố mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ

Năm 2020, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao.

Đà Nẵng sẽ tập trung vào các sản phẩm như linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp ưu tiên; thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, Sở đã triển khai hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo chính sách của thành phố.

Trong số đó có 2 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị mới; 2 doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; 1 doanh nghiệp được vay vốn quỹ đầu tư phát triển.

Đối với chính sách mới ban hành theo Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố Đà Nẵng thì Sở đang thông báo để các doanh nghiệp tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký để thụ hưởng.

Sở Công Thương thành phố đang xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, dự kiến tỷ trọng của công nghiệp hỗ trợ sẽ chiếm khoảng 40% tổng giá trị công nghiệp toàn thành phố vào năm 2030.

Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vào đầu tháng 11/2022 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Công thương sớm triển khai thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại Đà Nẵng trong năm 2022, thành phố sẵn sàng bố trí quỹ đất tại Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng để phục vụ xây dựng trung tâm.

Thành phố cũng mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, kết nối cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng và quốc gia.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục