Đại dịch COVID "đánh thức" người lao động Nhật Bản

17:57' - 20/04/2022
BNEWS Theo một nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Recruit Works Institute, tỷ lệ người trẻ bỏ việc tại các công ty lớn trong ba năm đã tăng từ mức 20,5% tám năm trước lên 26,5%.

Người Nhật từng có truyền thống cống hiến cả cuộc đời cho một công ty. Bù đắp cho những giờ làm việc dài lê thê và những hy sinh trong đời sống cá nhân, người lao động sẽ được đảm bảo công việc, được trả lương và có được một địa vị tăng dần theo tuổi đời, cũng như vinh dự được đóng góp một phần cho sự thành công của công ty. Nhưng giờ đây, truyền thống này đang dần mai một.

 

Ông Kennosuke Tanaka, một giáo sư về nghiên cứu việc làm tại đại học Hosei University, cho rằng đại dịch COVID đã tạo ra một sự thức tỉnh lớn với câu hỏi: “Liệu chúng ta có cần phải tiếp tục làm việc theo cách như vậy hay không?”

Trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gia tăng hình thức làm việc từ xa, người lao động có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ lại về sự nghiệp và cuộc đời của mình, và nhiều người muốn thay đổi.

Trong đó, mục tiêu của nhiều người là được có nhiều tiếng nói hơn về thời gian và địa điểm làm việc, cũng như quyền tự quyết và kiểm soát nhiều hơn đối với sự nghiệp của mình. Ikigai, hay mục đích sống, đã trở thành một cụm từ thường được nhắc đến.

Nhiều người ưu tiên gia đình, trong khi những người khác lại tìm kiếm các công việc phụ thỏa mãn sở thích của mình, điều mà trước đó thường bị các công ty phản đối.

Dù Nhật Bản vẫn chưa trải qua khủng hoảng lao động mang tên “Great Resignation” như ở Mỹ, cụm từ chỉ trào lưu nghỉ việc ồ ạt, nhưng số liệu của chính phủ cho thấy đã có gần 9 triệu người đang cân nhắc thay đổi công việc.

Nhiều người Nhật đã “nhảy việc”, một quyết định rủi ro và có phần hiếm gặp tại Nhật Bản, đặc biệt với những người trong độ tuổi 40, 50 và 60 có công việc ổn định và một gia đình phụ thuộc vào họ.

Theo một nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Recruit Works Institute, tỷ lệ người trẻ bỏ việc tại các công ty lớn trong ba năm đã tăng từ mức 20,5% tám năm trước lên 26,5%.

Nhiều người thậm chí còn lựa chọn rời xa chốn phồn hoa đô thị để tìm đến những nơi xa xôi hẻo lánh. Lần đầu tiên kể từ năm 1996, dân số của quận Tokyo đã giảm trong năm ngoái xuống chưa đến 14 triệu người, một diễn biến mà giới chuyên gia cho một phần là do xu hướng chuyển sang hình thức làm việc từ xa.

Nhiều người Nhật đang thử những loại hình công việc mới, trong bối cảnh nền kinh tế gig đang phát triển để bù đắp phần thu nhập mất đi do đại dịch hay để thử xem liệu họ có muốn thay đổi sự nghiệp hay không.

Nền kinh tế việc làm tự do (gig economy) là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.

Thường tạo ra sự trung thành và hài hóa lẫn nhau giữa giới chủ và người lao động, mô hình làm việc truyền thống của Nhật Bản có thể hiệu quả trong thời kỳ phục hồi hậu chiến tranh và Kỷ nguyên Bong bóng những năm 1980 (Bubble Era). Nhưng giờ đây mô hình này dường như đã lỗi thời và trở thành một sự đè nén đối với cả người lao động và nền kinh tế đang trì trệ của Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục