Đại hội cổ đông ngân hàng VPBank: Nhiều câu hỏi xoay quanh "con gà đẻ trứng vàng" FECredit

20:00' - 19/03/2018
BNEWS Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của VPBank chiều 19/3 tại Hà Nội, các cổ đông đã đặt nhiều câu hỏi với ban quản trị và điều hành Ngân hàng xung quanh FECredit.
Toàn cảnh đại hội cổ đông thường niên ngân hàng VPBank năm 2018. Ảnh: VPBank

Thị phần FECredit trên thị trường tài chính tiêu dùng, lợi thế của FECredit so với các công ty tài chính tiêu dùng khác, nợ xấu của FECredit... là một vài vấn đề mà các cổ đông đặt ra với ban quản trị và điều hành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của ngân hàng này diễn ra chiều 19/3 tại Hà Nội.

Không quá khó hiểu khi nhiều cổ đông lại quan tâm tới FECredit, một công ty tài chính được phát triển từ mảng Tín dụng tiêu dùng của VP Bank, nhiều năm qua được đánh giá như "con gà đẻ trứng vàng", mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng mẹ.

Giải đáp những thắc mắc trên, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank cho rằng, hiện nay ngân hàng đang kinh doanh phân khúc rủi ro nhất thị trường (cho vay tiêu dùng - PV) nhưng đây cũng không phải phân khúc mới lạ. Nếu nhìn trên thế giới mô hình cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận công chúng đã rất phổ biến, đặc biệt mô hình này phát triển đầu tiên ở Mỹ, rồi sang các nước châu Âu và một số nước châu Á.

Tất nhiên có những giai đoạn khủng hoảng, khó khăn khi thị trường quá nhiều công ty cho vay tiêu dùng hoặc điều kiện cho vay không kiểm soát được. Do đó, ông Vinh tán thành việc phải hết sức cẩn trọng trong mảng cho vay tiêu dùng này.

Ở Việt Nam, so sánh trong phân khúc cho vay rủi ro cao giữa các công ty tài chính, thị phần của FECredit theo ông Vinh đánh giá chiếm khoảng 50%.

Tuy FECredit có lợi thế của "người đi đầu" trong lĩnh vực này nhưng trong cuộc cạnh tranh, Tổng Giám đốc VPBank nhận định FECredit không tránh khỏi phải đối phó với các công ty mới ra đời với điều kiện cho vay nới lỏng hay lãi suất hấp dẫn hơn...

Tuy vậy tại đại hội, ông Vinh cũng khẳng định không phải chỉ riêng FECredit mà ngân hàng mẹ cũng đang là động lực tăng trưởng nguồn thu cho VPBank. Năm 2017, VPBank là ngân hàng đầu tiên huy động được 10.000 tỷ đồng từ ngân hàng số, đóng góp tới hơn 41% số tài khoản mới mở. Hơn 42.000 khoản vay đã được thực hiện qua kênh ngân hàng số; trong đó 30.000 giao dịch thực hiện qua thẻ tín dụng.

Các cổ đông VPBank bỏ phiếu thông qua các tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2018. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh việc phát triển ngân hàng số, VPBank cũng đang tập trung vào một số mảng như SME Banking, tín dụng tiểu thương,… Trong đó, mảng tín dụng tiểu thương sau những bước phát triển ban đầu được kỳ vọng sẽ qua giai đoạn hoà vốn và bắt đầu có lãi trong năm nay.

Bên cạnh đó, kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, một trong những bước tăng vốn điều lệ được VPBank trình tại đại hội cũng thu hút sự quan tâm của cổ đông.

Chia sẻ về kế hoạch này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết, thời gian chào bán riêng lẻ dự kiến sẽ diễn cuối quý II/2018, muộn nhất là trong quý III năm nay. Chủ tịch VPBank hiện chưa đưa ra con số cụ thể cho mức giá chào bán nhưng kỳ vọng sẽ cao hơn nhiều so với thị giá hiện tại của VPBank (quanh mức 63.000 đồng/cổ phiếu).

“Chúng tôi muốn tăng cường vốn để đáp ứng các nhu cầu tài chính, nhưng không phải lúc nào muốn phát hành tăng vốn cũng tăng được. Hiện nền kinh tế thế giới nói chung và tình hình vĩ mô trong nước nói riêng đang khá thuận lợi. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để huy động vốn. Do đó, chúng tôi muốn tiến hành ngay trong năm nay”, ông Dũng lạc quan.

Trước đó tại đại hội, đại diện Ban điều hành, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của VPBank đã trình bày trước cổ đông về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2017 của ngân hàng.

Theo đó, 2017 là năm cuối trong chặng đường chuyển đổi 5 năm 2012-2017 của ngân hàng với nhiều thành tựu rất ấn tượng. Kết thúc năm tài chính 2017, VPBank nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần có giá trị cho vay và huy động tiền gửi lớn nhất trên thị trường và là 1 trong 3 ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ dẫn đầu về cho vay, huy động tiền gửi và số lượng khách hàng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của VPBank đạt 8.130 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay, tăng 65% so với năm 2016 và đạt 120% kế hoạch điều chỉnh hồi giữa năm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong năm 2017, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng từ 9.181 tỷ đồng lên hơn 15.706 tỷ đồng. Dấu mốc quan trọng của VPBank trong năm 2017 là việc niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung HOSE với mức giá tham chiếu là 39.000 đồng/cổ phiếu. Tính tới ngày 16/3/2018, thị giá cổ phiếu của VPBank đạt 64.300 đồng/cổ phiếu; Giá trị vốn hóa đạt 96,283 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong số các ngân hàng đang niêm yết.

Về kế hoạch tăng vốn, Ban lãnh đạo VPBank trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 15.706 tỷ đồng lên hơn 27.799 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại đại hội lần này, VPBank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2018 với các chỉ tiêu chính: Tổng tài sản đạt 359.477 tỷ đồng; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 241.675 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 234.320 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu <3% và lợi nhuận trước thuế đạt 10.800 tỷ đồng.

Phát biểu tại đại hội, ông Trần Quốc Hùng, Cục phó Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Tp.Hà Nội (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá: "VPBank là một ngân hàng tốt và đi đầu trong tăng tỷ trọng từ thu dịch vụ".

Ở góc độ nhà quản lý, ông Hùng bày tỏ kỳ vọng trong năm 2018, VPBank sẽ bám sát mục tiêu phát triển, cũng như định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và hoạt động tín dụng, cấp tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên, đầu tư vào các ngành nghề, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thêm công việc, sản phẩm, thu nhập cho xã hội...

Kết thúc đại hội, toàn bộ các tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2018, phương án phân phối lợi nhuận, phương án tăng vốn điều lệ, phương án mua và phân phối cổ phiếu quỹ, nội dung sửa đổi giấy phép hoạt động, sửa đổi điều lệ và nhiều nội dung quan trọng khác đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ thống nhất cao./.

>>> Lịch họp đại hội cổ đông các ngân hàng năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục