Đại hội XIII của Đảng: Nỗ lực vươn lên để làm nên những kỳ tích

14:47' - 30/01/2021
BNEWS Việt Nam đã có nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội qua nhiệm kỳ 2016-2020 mà báo chí cùng các tổ chức trong nước và quốc tế đều đánh giá cao và ghi nhận.

Tốc độ tăng trưởng trong các năm từ 2016-2019 đạt khá cao với mức bình quân là 6,8%/năm và tính riêng trong năm 2020 là 2,91% - một kỳ tích mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng làm được trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Với tất cả những nỗ lực và thành quả ấy đã chứng thực, Việt Nam không chỉ duy trì sự ổn định của nền kinh tế mà còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế khi được đánh giá là điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh toàn cầu với mong muốn xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn và có trách nhiệm hơn.

Điểm qua những thành tựu trong nhiệm kỳ này, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, Việt Nam đã tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ cải cách thể chế, Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt cải cách thủ tục hành chính quan trọng, xoá bỏ hàng nghìn giấy phép con; cắt giảm và đơn giản hoá từ 50-60% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Công cuộc này, tới nay vẫn đang được nỗ lực thúc đẩy để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá 20% các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh.

Không chỉ có vậy, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành trình xây dựng Chính phủ điện tử cũng được thúc đẩy và tăng tốc. Việt Nam hiện đang trên chặng đường hội nhập với thế giới qua 2 cuộc hội nhập đỉnh cao là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), góp phần mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất

Cụ thể hơn về những thành tích phát triển trong giai đoạn 2016-2020, nhất là khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, tính ưu việt của thể chế chính trị ở Việt Nam và năng lực cạnh tranh cốt lõi của hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam thêm một lần nữa được nêu cao: Đó là sự cố kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, là khả năng chống chịu, kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

"Mặc dù có việc một số chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, nhưng những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này là rất đáng tự hào. Chúng ta đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,8%/năm trong suốt 4 năm đầu nhiệm kỳ. Điều rất cần nhấn mạnh ở đây là chúng ta đã đạt được kết quả này mà không cần phải hy sinh các mục tiêu khác như lạm phát, tỷ giá hay nợ công.

Ngược lại, chính việc kiềm chế lạm phát dưới 4%, cộng với nỗ lực giữ tỷ giá ổn định và giảm nợ công xuống còn 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất và chất lượng. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 đặt ra muôn vàn khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng kinh tế dương, trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào suy thoái. Việt Nam được ghi nhận là đã vượt Singapore, Malaysia để trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có quy mô lớn nhất ASEAN". Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời gian qua cũng còn nhiều điểm chưa thể hài lòng, ông Lộc bày tỏ. Trong khi các chính sách kinh tế vĩ mô như tài khóa, tiền tệ và các chính sách phát triển như nông nghiệp, xuất khẩu... được hoạch định tương đối tốt thì đại dịch COVID-19 cũng là phép thử cho thấy, mạng lưới an sinh xã hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Mặc dù đã tăng 1,3 lần trong 5 năm qua, nhưng cho đến nay mới chỉ có 1/3 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này cho thấy một phần là do khu vực kinh tế phi chính thức của nền kinh tế trong nước còn quá lớn. Mặt khác, việc triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp 62 nghìn tỷ đồng cho người lao động và các đối tượng yếu thế còn lúng túng cũng là việc cần phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, COVID-19 chính là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự, duy trì "năng lượng" để khi cơn bão dịch đi qua, Việt Nam lại có thể vươn lên mạnh mẽ. Vừa phòng chống dịch, vừa nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội là những phản ánh chính sách kinh tế - xã hội khá kịp thời của Chính phủ.

Trong điều kiện nguồn lực không dư giả, ngân sách eo hẹp nhưng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ là chưa từng có trong tiền lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa chính sách hơn nữa để có thể gia tăng hiệu quả của các chương trình hỗ trợ, ứng phó với diễn biến xấu của dịch bệnh và kể cả việc phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh.

Theo ông Thành, cùng với nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp thì vai trò hỗ trợ của Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Dịch COVID-19 là biến cố không ai mong đợi. Song đây chính là dịp để thử thách bản lĩnh Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu, phải vượt qua khó khăn bằng ý chí, sự linh hoạt và sáng tạo.

Chính phủ nên tiếp tục các gói hỗ trợ như đã triển khai, thậm chí, nếu cần thiết thì tăng cường thêm quy mô và kéo dài thời gian để trợ giúp doanh nghiệp và người lao động vượt bão dịch. Mục tiêu đặt ra và vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo, ông Thành nhấn mạnh.

Nhìn vào các kế hoạch và định hướng phát triển cho 5 năm tới, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự đồng tình với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất là đạt mức trung bình từ 6,5-7%/năm. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng đó sẽ là những mục tiêu đầy thách thức nếu nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua. Từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Bởi vậy, tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình từ 6,5-7%/năm trong 5 năm tới sẽ là mục tiêu rất gian nan và đòi hỏi phải có rất nhiều nỗ lực.

Ông Lộc cũng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Đó chính là tiếp tục cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các nguồn vốn đầu tư hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3 - 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN.

Cùng với đó, tiếp tục rà xét, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật về kinh doanh đã được Chính phủ triển khai trong nhiều năm qua. "Chính phủ cần có chương trình phát triển doanh nghiệp cho nhiệm kỳ tới nhằm mục tiêu có được ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025. Bên cạnh đó cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể - nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào. Đừng để khu vực này bị bỏ lại phía sau!", ông Lộc nói.

Cuối cùng, để đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới, Việt Nam cần nhận diện thật đúng bản chất của làn sóng đầu tư này là làn sóng dịch chuyển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Do đó, ông Lộc cũng đề xuất sớm xây dựng Dự luật về công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực quan trọng này.

"Nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ và vươn dần lên các phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng, thì dù Việt Nam có thu hút được thêm hàng chục, hàng trăm tỷ đô la Mỹ từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, thì nền kinh tế cũng sẽ không thể thoát được kiếp gia công, dựa vào lao động rẻ; cũng như, đất nước sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Lộc nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục