Đắk Lắk kiến nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng

18:00' - 02/08/2024
BNEWS Thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk, địa phương vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, xem xét, giải quyết một số nội dung để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.

UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) 10739: 2015 - Sầu riêng quả tươi. Tại mục 3, quy định về độ phát triển và độ chín còn định tính; chưa quy định về các chỉ tiêu lý - hóa… gây khó khăn trong quá trình quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm sầu riêng.

Hiện nay, người nông dân, doanh nghiệp xác định quả sầu riêng thu hoạch thông qua thử gõ nên độ chính xác không cao. Trong khi đó, kinh nghiệm của Thái Lan chỉ ra rằng, để đảm bảo sầu riêng xuất bán đạt chuẩn, Thái Lan đã xây dựng chương trình giám sát chất lượng đặc biệt, áp dụng quy trình canh tác chặt chẽ, tăng yêu cầu chất lượng bằng cách quy định quả sầu riêng thu hoạch phải đạt 32% chất khô, tạo thuận lợi hơn trong việc bảo quản, vận chuyển xa.

Về lâu dài, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét xây dựng, ban hành Quy chuẩn quốc gia về sầu riêng.

 

Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ dịch hại trên cây sầu riêng, hiện nay, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam có 22 loại thuốc trừ bệnh, 3 loại thuốc trừ sâu hại, 2 loại thuốc điều hoà sinh trưởng. Số lượng thuốc bảo vệ thực vật này quá ít so với nhu cầu sử dụng, gây khó khăn cho người sản xuất trong việc tuân thủ theo quy định của thị trường nhập khẩu.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hoạt chất tạo màu, làm chín đều và bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kết luận, hướng dẫn về việc sử dụng các sản phẩm, hoạt chất xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là khi mùa thu hoạch cao điểm sầu riêng niên vụ 2024 tại tỉnh Đắk Lắk đã cận kề.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ưu tiên triển khai kiểm tra, phê duyệt sớm đối với 198 vùng trồng (4.771 ha) và 10 cơ sở đóng gói đã nộp hồ sơ, đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra, phê duyệt, nhằm kịp vụ mùa thu hoạch sầu riêng năm 2024.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đàm phán với phía Trung Quốc về việc ký Nghị định thư yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”; đàm phán phía Trung Quốc chấp nhận việc trồng xen trên vườn sầu riêng.

Văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk cũng nhấn mạnh, thực tế qua 2 năm thực hiện Nghị đinh thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam qua Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần lấy ý kiến góp ý của các địa phương trước khi đàm phán gia hạn Nghị định thư.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu với các địa phương để kịp thời thông tin hai chiều về tình hình xuất khẩu quả sầu riêng tươi, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói...

Hiện tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với 32.785 ha; sản lượng năm 2023 đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022. Đến nay, tỉnh đã được phía Trung Quốc phê duyệt 23 mã cơ sở đóng gói và 68 mã số vùng trồng (diện tích 2.521 ha). Quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá ở mức cao, người trồng có lãi lớn, quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh.

Để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, giá trị cao, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều hoạt động về sản xuất, cấp và quản lý mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành hàng sầu riêng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục