Đảm bảo điện cho mùa khô 2018 – Bài 1: Nhận diện khó khăn

12:44' - 07/04/2018
BNEWS Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn tập trung các giải pháp điều hành cung ứng điện, bám sát nhu cầu nhu cầu điện cả nước và tại các khu vực, vùng, miền.
Giàn năng lượng mặt trời được lắp đặt trên nóc tòa nhà Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Năm 2018 là năm tăng tốc trong triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là năm được dự báo tình hình kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát, phấn đấu GDP cả nước tăng trưởng ở mức từ 6,7%.

Để đảm bảo cấp điện cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn cả nước nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn tập trung các giải pháp điều hành cung ứng điện, bám sát nhu cầu nhu cầu điện cả nước và tại các khu vực, vùng, miền. Từ đó, đảm bảo huy động các nguồn điện phù hợp với tình hình thuỷ văn và khả năng cấp khí.

Với nhận định Quý II hàng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về mặt cung cấp điện toàn hệ thống, EVN đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II/2018 với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 12,5% so với cùng kỳ.

Đặc biệt trong các tháng 5 và 6 (cao điểm mùa khô), dự báo phụ tải của hệ thống có thể đạt bình quân tới 650 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể lên tới 34.300 MW.

Trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2018, Tập đoàn nhận định hệ thống điện đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nếu như không xuất hiện các tình huống bất thường. Hệ thống truyền tải Bắc - Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển khai thực hiện kế hoạch trên như: Việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN.

Vấn đề đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện khó khăn hơn, gia tăng tỷ trọng nguồn than nhập khẩu, nguồn khí trong nước suy giảm. Việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện cũng được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn...

Riêng tình hình cung cấp điện cho 21 tỉnh thành phía Nam  do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) quản lý cũng được đánh giá là tiếp tục gặp khó khăn.

Sử dụng đèn chiếu sáng trong nuôi tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám  đốc EVN SPC cho biết, năm 2018, hệ thống điện miền Nam vẫn chưa tự cân đối nguồn cung cấp điện. Hệ thống điện luôn nhận công suất cao từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500kV, đặc biệt là các tháng mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 6) khi phụ tải tăng cao.

Bên cạnh đó, ở các tỉnh có công nghiệp phát triển nhanh như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ …, phụ tải đang tăng cao trên 11% làm ảnh hưởng đến cung cấp điện như đường dây và thiết bị thường xuyên đầy tải, tại một số thời điểm còn bị quá tải.

Trên thực tế, lưới điện do EVN SPC quản lý trải rộng từ Ninh Thuận đến Cà Mau, do đó việc đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện chống quá tải cần nguồn vốn rất lớn.

Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện tuy được sự hỗ trợ của UBND các tỉnh/thành phố và các ban ngành địa phương nhưng thực tế là công tác giải phóng mặt bằng để thi công vẫn gặp khó khăn.

Điều này dẫn đến một số công trình bị chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến cung cấp điện trên địa bàn như: Trạm 220kV Cần Đước, các trạm biến áp (TBA) 110kV Vĩnh Tường, Khánh Vân….

Là trung tâm kinh tế lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng cao, nhất là vào thời điểm bắt đầu mùa khô này.

Có thời điểm nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn lên tới  11 triệu kWh/ngày, tăng 2 triệu kWh so với ngày bình thường.

Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện trong các nhà xưởng sản xuất​. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong khi đó, tỷ trọng sử dụng điện cho sản xuất chiếm tới 54% tổng sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn, tiếp đó trên 30% là sử dụng ánh sáng sinh hoạt….

Phó Giám đốc Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ Trần Vĩ Đức bày tỏ: “Đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô và cả năm 2018 là nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với công ty trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay”.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Sóc Trăng có tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Nhiều năm qua, tôm nước lợ tiếp tục được khẳng định là một thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng với hai đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập cho người dân. Hình thức nuôi tôm cần phải đầu tư về vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện.

Quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo oxy, là khâu chủ yếu sử dụng điện trong nuôi tôm. Cũng chính vì vậy mà đây là địa phương có nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho nuôi tôm đang tăng trưởng cao.

Riêng năm 2017, sản lượng điện tiêu thụ trong nuôi tôm của tỉnh đạt mức 245 triệu kWh, chiếm hơn 20% tổng sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn.

Do đó theo Công ty Điện lực Sóc Trăng, cần quảng bá các giải pháp tiết kiệm điện, góp phần giảm áp lực về cung cấp điện, giảm chi phí đầu vào cho các hộ dân nuôi tôm và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục