Đảm bảo hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với chất lượng tốt nhất

17:52' - 16/11/2023
BNEWS Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 83 điều (tăng 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6).
Tiếp tục chương trình Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6, chiều 16/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trước khi tiến hành thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 
Theo ông Vũ Hồng Thanh, trên cơ sở 26 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 4 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận tại Hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 83 điều (tăng 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6).

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, rà soát tổng thể dự thảo Luật, rà soát các quy định chuyển tiếp, hoàn thiện các quy định, bảo đảm rõ ràng về nội dung, chính xác về kỹ thuật lập pháp, kỹ thuật văn bản, tránh dẫn đến cách hiểu khác nhau, thống nhất với các luật có liên quan, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Điều hành phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý thảo luận thêm về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan; xử lý tài sản bảo đảm là nhà công trình xây dựng quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định pháp luật; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai; điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản...

Ngoài các nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để có báo cáo giải trình thêm một số nội dung như phần giải thích từ ngữ, sử dụng thuật ngữ trong dự thảo Luật; hợp đồng kinh doanh bất động sản; điều kiện đối với người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản...

Qua thảo luận, các ý kiến tại phiên họp cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế.

Cho ý kiến cụ thể về các điều khoản của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc sử dụng cụm từ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất”, trong dự thảo còn sử dụng chưa thống nhất. Có nơi thì dùng 3 loại giấy với 3 tên gọi khác nhau. Cho biết Luật Đất đai đã có quy định thống nhất về giấy chứng nhận này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra điều chỉnh để sử dụng thống nhất với Luật Đất đai.

Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật liên quan đến tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quản lý tài sản, xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất chưa có quy định cụ thể, về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị khi thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cấn đưa nội dung này vào một điều trong dự thảo.

Liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua nghiên cứu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng nhận thấy, nếu không quy định liên quan xử lý tài sản đảm bảo sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, các tổ chức tín dụng không có chức năng kinh doanh bất động sản, do đó không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), và đề nghị: “Qua ý kiến các bộ ngành, Bộ Xây dựng nhận thấy, trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nên đưa một quy định dẫn chiếu qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để đảm bảo quy định cụ thể vấn đề này”.

Về đề xuất này của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thiện phương án chính thức của Chính phủ.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình, đánh giá cao về báo cáo, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế trên cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, các cơ quan.

Những nội dung tiếp thu, giải trình chỉnh lý có tính đồng thuận, thống nhất cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu tối đa những ý kiến đã phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án luật có chất lượng tốt nhất.

*Theo Chương trình làm việc, dự kiến, chiều 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục