Đàm phán Brexit: Anh đưa quan điểm mềm dẻo hơn về Tòa công lý châu Âu

09:47' - 24/08/2017
BNEWS Liên quan đến thẩm quyền của Tòa công lý châu Âu (ECJ), ngày 23/8, Anh công bố đề xuất hình thức trọng tài trong đó ECJ vẫn có tiếng nói trong giải quyết tranh chấp giữa Brussels và London.
Anh đưa ra quan điểm mềm dẻo hơn về tòa án công lý châu Âu. Ảnh minh họa: politico europe

Trong khuôn khổ chuẩn bị cho các cuộc đàm phán Brexit tuần tới về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, Anh đã đưa ra một hành động mang tính thỏa hiệp. Đề cập đến một vấn đề mang tính kỹ thuật với nội dung quan trọng liên quan đến thẩm quyền của ECJ, Chính phủ Anh cho thấy họ sẵn sàng thừa nhận vai trò gián tiếp của Tòa này. Về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Brussels và London, phía Anh đề xuất thành lập một hình thức tòa trọng tài.

Tài liệu mang tính kỹ thuật vừa được Anh công bố cho thấy một quan điểm khá mềm dẻo nếu so sánh với những lời tuyên bố cứng rắn của bà Thesresa May trước đây. Nữ Thủ tướng Anh đã từng nói rằng việc nước này ra khỏi ECJ giống như một biểu tượng về sự giành lại chủ quyền cho “xứ sở sương mù”.

Vấn đề trên được đưa ra bởi những người ủng hộ Brexit sẽ không khi nào chấp nhận việc một tòa án gồm những thẩm phán nước ngoài lại có thẩm quyền quyết định các vụ tranh chấp liên quan đến nước Anh. Và như vậy, những người này cho rằng Brexit sẽ cho phép Vương quốc Anh có toàn quyền "kiểm soát hệ thống luật pháp của mình".

Dường như nước Anh đã buộc phải thừa nhận hiện thực pháp lý trong quá trình Brexit. Nếu Chính phủ Anh muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với EU sau Brexit, họ sẽ phải chấp nhận một cơ chế giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra do châu Âu đề xuất. Đó cũng là trường hợp mà tất cả các hiệp định thương mại quốc tế phải đối mặt.

Trong tài liệu được công bố, Chính phủ Anh đã cho thấy một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Trong câu đầu, nước Anh khẳng định sẽ “chấm dứt thẩm quyền trực tiếp của ECJ”. Người Anh đã tế nhị thêm từ “trực tiếp” để mở cánh cửa cho một giải pháp có thể được hai bên chấp nhận.

Điều này có nghĩa là dù Anh không chấp nhận một cách tự động thẩm quyền tối cao của Tòa công lý châu Âu như mong muốn của EU, trên thực tế ECJ có thể vẫn đóng một vai trò nhất định về giải quyết các tranh chấp phát sinh trong tiến trình Brexit.

Dù không trình bày mong muốn của mình một cách rõ ràng, London vẫn đưa ra một loạt các giải pháp, việc này tạo điều kiện để những mô hình trọng tài quốc tế đang tồn tại có thể tạo ra các ủy ban chung. Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab gợi ý về một lối thoát khả thi nhất với mô hình một ủy ban trọng tài bao gồm một thẩm phán được EU đề xuất, một do phía Anh đề xuất và người thứ ba được hai bên cùng thống nhất lựa chọn.

Theo mô hình này, Anh và EU đều có thể cầu viện một cách tự nguyện đến ECJ, bằng cách yêu cầu Tòa giải thích luật châu Âu. Phía Anh đã dẫn chiếu ví dụ về thỏa thuận giữa EU và Moldova trên thực tế đã vận hành tốt theo cách thức này. Chính phủ Anh cũng gợi ý việc xét xử của ECJ về các vấn đề trước Brexit có thể tiếp tục được áp dụng.

Tuy nhiên, không chắc chắn là những đề xuất này đã đủ để trấn an Brussels. Ủy ban châu Âu lo lắng đặc biệt về các thức mà các công dân EU sống tại Anh sẽ được đối xử ra sao, đồng thời mong muốn có tiếng nói trong trường hợp xảy ra tranh chấp tại tòa. Phía Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ mong muốn duy trì vai trò của ECJ trong giai đoạn chuyển tiếp được phía Anh đề xuất.

Dự kiến vòng đàm phán thứ ba về Brexit sẽ diễn ra trong tuần tới tại Brussels, Bỉ, tập trung tìm cách thực hiện một Brexit suôn sẻ và theo trình tự, đạt được tiến bộ trong các vấn đề như quyền công dân, thỏa thuận chi phí và vấn đề Ireland.

>>>Nước Anh có dễ chối bỏ Tòa án Công lý châu Âu hậu Brexit?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục