Dân số giảm - lợi hay hại đối với nền kinh tế?

05:30' - 07/04/2021
BNEWS Theo tạp chí The Economist của Anh, dân số ít hơn cũng có nghĩa là các ý tưởng mới có thể ít đi, dẫn đến một tương lai có thể rất khác so với những gì những người lạc quan đã tưởng tượng.

Dịch hạch khi tấn công châu Âu vào thế kỷ XIV đã giết chết 1/3 đến 2/3 dân số châu lục này. Đại dịch COVID-19 đã không gây ra mức tử vong nghiêm trọng đến như thế. Tuy nhiên, tác động về nhân khẩu học của COVID-19 có thể lớn hơn đáng kể khi gần 3 triệu ca tử vong do COVID-19 đi cùng với sự giảm sinh trên toàn thế giới. 

Chẳng hạn, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm khoảng 15% trong năm 2020, trong khi Mỹ ghi nhận tỷ lệ sinh hàng tháng giảm 15% trong khoảng thời gian từ tháng 2-11/2020. Kết quả, đại dịch có thể đã đẩy lùi thời điểm dân số toàn cầu dự kiến đạt đỉnh tới một thập kỷ đến những năm 2050.

Dân số giảm có vẻ là một điều đáng hoan nghênh trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist của Anh, dân số ít hơn cũng có nghĩa là các ý tưởng mới có thể ít đi, dẫn đến một tương lai có thể rất khác so với những gì những người lạc quan đã tưởng tượng.

Dân số loài người đã không đạt được mức 1 tỷ người mãi cho đến thế kỷ XIX, nhưng sau đó đã tăng lên một cách nhanh chóng. Dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ người trong những năm 1920, và gần 6 tỷ người nữa trong 100 năm sau đó. Sự bùng nổ này đã kéo theo rất nhiều lo ngại. Cuốn sách “Quả bom dân số” của Paul Ehrlich xuất bản năm 1968 đã cảnh báo về nạn đói toàn cầu đang rình rập.

Tuy nhiên, hầu hết các dự báo trước đại dịch đều cho rằng dân số toàn cầu sẽ ổn định vào nửa sau của thế kỷ XXI. Một số nhà phân tích lập luận rằng dân số sẽ không chỉ ổn định mà còn suy giảm. 

Trong cuốn sách “Hành tinh trống rỗng” xuất bản năm 2019, Darrell Bricker và John Ibbitson, hai nhà báo người Canada, đã viết rằng do tỷ lệ sinh giảm - một xu hướng rõ ràng ở các nền kinh tế giàu có và mới nổi - cuối cùng tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới mức thay thế là 2,1 trẻ mỗi phụ nữ. Gần một nửa dân số thế giới hiện nay đang sống ở các quốc gia có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế. Đi theo một con đường vòng bất ngờ về nhân khẩu học, sự hao hụt toàn cầu đang dần hiện ra.

Bricker và Ibbitson chỉ ra những kết quả tích cực của việc dân số giảm như giảm áp lực đối với các nguồn tài nguyên khan hiếm, giảm phá hủy môi trường và tăng quyền tự chủ cho phụ nữ, nhưng họ cũng lưu ý rằng sẽ có những gián đoạn về kinh tế, chẳng hạn như khan hiếm nhân viên chăm sóc và các vấn đề về tính bền vững của nợ công. 

Lịch sử cũng cho thấy sự suy giảm dân số có thể có lợi về mặt kinh tế theo một số cách. Sau Cái chết Đen thế kỷ XIV, lao động khan hiếm trong khi đất đai và tài nguyên sẵn có đã dẫn đến mức lương thực tế và quyền tự do cao hơn cho người lao động.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây lấy cảm hứng từ cuốn sách trên của Charles Jones, một nhà kinh tế học tại Đại học Stanford, lập luận rằng về lâu dài, bất kỳ tác động tích cực nào về kinh tế đến từ việc dân số giảm đều có thể bị mất đi do năng lực sáng tạo của nhân loại giảm. Ông viết rằng nếu ý tưởng thúc đẩy sự phát triển và con người là nguồn gốc của ý tưởng, thì số phận của loài người chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng dân số dài hạn.

Trong trường hợp không có các ý tưởng mới, cuối cùng thì sự tăng trưởng sẽ dừng lại. Việc bổ sung lao động hoặc tài nguyên hoặc vốn (như máy móc) vào nền kinh tế có thể thúc đẩy thu nhập, nhưng với lợi nhuận giảm dần. Khi không có những tiến bộ công nghệ, quặng trở nên khó khai thác và tốn kém hơn. 

Ngày càng có ít công việc có giá trị hơn để lao động thực hiện, trong khi người máy công nghiệp tăng thêm. Tuy nhiên, những ý tưởng mới cho phép một nền kinh tế làm ra nhiều hơn với đầu vào ít hơn hoặc tạo ra những công việc mới có giá trị để sử dụng lao động và vốn. Do đó, tiến bộ công nghệ đã cho phép thu nhập thực tế của mỗi người tăng trưởng ổn định trong hai thế kỷ qua ngay cả khi dân số toàn cầu tăng vọt.

Tuy vậy, những ý tưởng mới phải có môi trường để xuất hiện và phát triển. Ví dụ, một nền kinh tế có thể làm gia tăng các ý tưởng bằng cách điều chỉnh việc sử dụng nguồn lực của mình, bằng cách đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và khuyến khích nhiều người làm việc trong nghiên cứu thay vì sản xuất. 

Tuy nhiên, mặc dù các giải pháp này hiệu quả trong việc tạo ra nhiều kiến thức mới trong thế kỷ 20, nhưng ông Jones nói bản thân các giải pháp này phải chịu lợi nhuận giảm dần (chẳng hạn như tỷ lệ dân số làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể tăng cao đến mức mà năng suất của mỗi nhà nghiên cứu có khả năng giảm xuống). Do đó, ông cho rằng, sự suy giảm số lượng tuyệt đối của các bộ não này có thể cản trở nghiêm trọng đối với sự đổi mới và triển vọng tăng trưởng liên tục về thu nhập.

Sử dụng một mô hình đơn giản, ông Charles Jones gợi ý rằng trong tương lai, thế giới có thể phải đối mặt với hai khả năng. Nếu tỷ lệ sinh ổn định ở mức đủ cao, viễn cảnh “vũ trụ mở rộng” đang chờ đợi, trong đó lượng kiến thức, dân số và thu nhập đều tăng lên không ngừng. Ngược lại, một chu kỳ dân số và khả năng sáng tạo giảm có thể dẫn đến kết quả “hành tinh trống rỗng”, khi đó mức sống trì trệ trong khi dân số giảm dần.

Trên thực tế, có thể có những tiến bộ tin học làm tăng năng suất nghiên cứu, hoặc thậm chí cho phép tự động hóa một số hình thức sản sinh ý tưởng. Tuy nhiên, hiện nay các nền kinh tế giàu có dường như lo lắng quá ít đối với việc ngày càng cần nhiều các nhà nghiên cứu để đảm bảo sự cải thiện ổn định về khả năng tin học vì một giả định sai lầm rằng sẽ luôn có thêm người sẵn sàng mặc áo khoác trong phòng thí nghiệm.

Các chính phủ dường như không ưu tiên giáo dục hay các chương trình phúc lợi cho phép các hộ gia đình khuyến khích con cái họ trở thành nhà nghiên cứu. Thậm chí, nhiều quốc gia giàu có thể hiện sự lo lắng về dân số đang tăng một cách nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Việc các nền kinh tế tiên tiến không đầu tư một cách hào phóng cho tài năng của hàng tỷ người nghèo hơn trên thế giới liệu có phải là một yếu tố dẫn đến "hành tinh trống rỗng" trong tương lai?/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục