Dân thường Afghanistan thiệt mạng trong các vụ bạo lực lên mức cao kỷ lục

18:07' - 15/07/2018
BNEWS Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) ngày 15/7 đã công bố báo cáo phản ánh thực trạng dân thường tiếp tục là nạn nhân chính trong các vụ bạo lực xảy ra ở quốc gia Tây Nam Á này.
Một trong những vụ đánh bom liều chết khiến ít nhất 10 người thiệt mạng tại Afghanistan ngày 10/7. Ảnh: TTXVN

Theo đó, UNAMA xác định con số kỷ lục 1.692 dân thường thiệt mạng trong các cuộc xung đột và tấn công khủng bố xảy ra ở Afghanistan trong nửa đầu năm 2018, trong khi số dân thường bị thương là 3.430 người.

Theo báo cáo của UNAMA, việc sử dụng các thiết bị nổ tự chế (IEDs) trong các vụ đánh bom liều chết hoặc hình thức tấn công khác là nguyên nhân hàng đầu cướp đi nhiều sinh mạng của dân thường (chiếm tới 50%).

Ngoài ra, các vụ giao tranh trên bộ, các vụ giết người có chủ đích, các chiến dịch không kích.... cũng là nguyên nhân gây thương vọng lớn cho dân thường.

UNAMA chỉ trích Taliban và các nhóm vũ trang khác là thủ phạm gây thương vong cho 67% dân thường, trong khi các lực lượng an ninh Afghanistan phải chịu trách nhiệm đối với 20% số trường hợp thương vong dân thường còn lại.

Với báo cáo trên, UNAMA một lần nữa kêu gọi các bên xung đột cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ dân thường và khuyến khích hợp tác hướng tới việc đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Afghanistan từ lâu đã rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng bất ổn trên, nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1/2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này.

Trước tình hình đó, các lực lượng an ninh Afghanistan cùng liên quân do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào Taliban trên khắp nước này.

Cho đến nay, giới chức Kabul nhiều lần đề nghị Taliban tiến hành hòa đàm, nhưng lực lượng này từ chối và nêu điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là các lực lượng nước ngoài phải rời Afghanistan./.

Xêm thêm:

>>>Afghanistan: Nổ trước một tòa nhà chính phủ tại thủ đô Kabul

>>>Nga bắt giữ 11 người tại Siberia nghi tuyển mộ khủng bố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục