Dẫn vốn cho tăng trưởng xanh

08:00' - 09/02/2024
BNEWS Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh phát triển vượt bậc trong khoảng 2-3 năm gần đây.

Xu hướng xanh hóa nền kinh tế đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Nhu cầu về tín dụng xanh do đó cũng ngày càng tăng cao, nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng xanh trong nước vẫn còn hạn chế, đặt ra yêu cầu cần thiết phải mở rộng nguồn vốn cho lĩnh vực này.

Gia tăng vốn xanh

Số liệu mới nhất theo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh trên toàn hệ thống đạt gần 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh cũng phát triển vượt bậc trong khoảng 2-3 năm gần đây trong khi cách đây 6-7 năm chỉ rất thấp so với tốc độ tăng trưởng chung.

 

Ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhiều gói tín dụng xanh dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang được triển khai như gói 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xanh; gói 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện; gói 4.200 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh...

Theo Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Phương, BIDV đã tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án, phương án tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của ngân hàng. Trong đó, trên 80% là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiếp đến là lĩnh vực bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai...

Tương tự, tổng dư nợ tín dụng xanh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2021, từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên đến gần 18.400 tỷ đồng đến hết năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) đánh giá doanh nghiệp đã ngày càng ý thức hơn về vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do đó, hàm lượng cấp tín dụng xanh của HDBank cũng ngày càng tăng. Tính đến nay, HDBank đã giải ngân trên 11.000 tỷ đồng cho các dự án thuộc lĩnh vực xanh với những cơ chế ưu đãi nhất, dư nợ tín dụng xanh chiếm đến 20% tổng dư nợ của HDBank.

Tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, chiến lược phát triển bền vững dài hạn thông qua việc xây dựng đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh cũng được tập trung triển khai.

Ông Võ Vy Tùng, Giám đốc khối doanh nghiệp, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết ngân hàng đang dành nguồn vốn riêng cho các dự án xanh với lãi suất thấp hơn 2% so với các dự án thông thường và sẽ tiếp tục cân nhắc điều chỉnh chính sách vay ưu đãi hơn nữa trong thời gian tới. Tỷ trọng tín dụng xanh chiếm khoảng 5% tổng dư nợ tại Shinhan Việt Nam; trong đó, 81% nguồn vốn đầu tư dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, còn lại là các dự án quản lý nước bền vững khu vực đô thị nông thôn và nông nghiệp xanh

Để mở rộng quy mô vốn xanh

Ước tính gần đây của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC - một bộ phận của Nhóm Ngân hàng Thế giới) cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Nhu cầu mở rộng quy mô nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để thúc đẩy tín dụng xanh, vẫn cần thêm cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng cung ứng vốn cho các dự án kinh tế xanh. 

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, một trong những khó khăn trong triển khai dòng vốn xanh hiện nay là khung pháp lí. Đến nay quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. Do vậy, chưa có căn cứ cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn tương ứng của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc triển khai tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, việc xác định và thu thập dữ liệu về phát thải tiếp tục là vấn đề khó khăn tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam, dẫn đến những vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá, giám sát tín dụng cũng như việc đo lường, định lượng phát thải tổng thể của ngân hàng...

Mặt khác, ông Võ Vy Tùng cho biết đặc điểm của các dự án xanh là chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, rủi ro thị trường cao. Do đó, ông bày tỏ mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các tổ chức tín dụng đẩy mạnh dư nợ tín dụng xanh hiệu quả hơn như các cơ chế ưu đãi về thời gian, chi phí vốn vay, cung cấp các khoản vay ưu đãi, áp dụng lãi suất thấp, cấp bù lãi suất chênh lệch; không tính dư nợ tính dụng xanh trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phê duyệt cho các tổ chức tín dụng...

Phó Tổng Giám đốc HDBank Nguyễn Văn Hảo chia sẻ: "Cùng trong xu hướng toàn cầu đẩy mạnh xanh hóa dòng vốn đầu tư, HDBank đã được hỗ trợ về vốn từ các định chế tài chính quốc tế, từ đó tăng năng lực tài chính, tăng nguồn tín dụng xanh cấp cho khách hàng SME, các doanh nghiệp phụ nữ làm chủ...".

Tuy vậy, ông Hảo kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục truyền thông nhiều hơn nữa để giúp người dân và doanh nghiệp ý thức được về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong các hoạt động. Đồng thời, có thêm cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh để từ đó các ngân hàng có cơ sở triển khai thêm được nhiều chính sách mới giúp tăng hiệu ứng và kết quả đầu tư tín dụng xanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục