Đánh giá tác động của Brexit đến kinh tế Đông Âu và Pribaltic

07:06' - 25/01/2019
BNEWS Việc Hạ viện Anh bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May và các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí được xem là thất bại lớn nhất trong lịch sử của Chính phủ Anh kể từ năm 1924.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: THX/ TTXVN

Các kịch bản tiếp theo như Anh rút khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào, nước Anh tổ chức lại trưng cầu ý dân về Brexit hay nước Anh sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn – được các nước vùng Pribaltic và Đông Âu theo dõi sát sao vì nhiều lý do.

 * Ngân sách

Do Brexit mà ngân sách EU sẽ thâm hụt từ 12-13,5 tỷ euro/năm. Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Latvia, nếu cuộc chia tay Anh-EU thực hiện theo thỏa thuận đạt được, Latvia sẽ phải gánh thêm chi phí 10,1 triệu euro, khoản đóng góp của Latvia vào EU sẽ tăng thêm 8,9% mỗi năm.

Còn nếu Nghị viện Anh bỏ phiếu lại và thông qua Brexit, thì năm 2019 Latvia sẽ phải cần tìm thêm cho ngân sách của mình từ 2,3- 4,6 triệu euro, năm 2020 (1,8- 2,3 triệu euro), năm 2021 (2,4- 2,9 triệu euro).

Ngân sách các nước khác trong khu vực cũng tương tự.

*Các dự án lớn

Hiện có hai dự án then chốt mà cả vùng Pribaltic đang cần đến nguồn tài chính từ các quỹ EU.

Thứ nhất là dự án đường sắt Rail Baltica theo tiêu chuẩn châu Âu, nối các nước trong vùng với vùng miền Trung châu Âu. Dù Ủy ban châu Âu đã tuyên bố đây là dự án quan trọng bậc nhất đối với EU, song hồi tháng 7/2018 xuất hiện thông tin khoản tài chính chi cho dự án sẽ phải giảm từ 88% xuống 55%. Cả ba nước Latvia, Estonia và Lithuania đều không có khả năng độc lập hoàn tất dự án nên nguy cơ dự án bị "đóng băng" hoặc kéo dài là rất lớn.

Dự án thứ hai là vành đai năng lượng điện thống nhất giữa Belarus, Nga, Estonia, Latvia và Lithuania (BRELL). Do được đầu tư trực tiếp từ các quỹ của EU nên dự án cũng đang đứng trước nguy cơ bị đổ vỡ. 

Ngoài ra, kế hoạch giảm trợ giá cho nông dân 5% cũng không làm “nức lòng” các nước Pribaltic, hiện đang tích cực vận động nâng mức trợ giá cho nông dân nước mình cho bằng với ở Pháp và Đức. Ủy ban châu Âu cũng đề nghị giảm 13% trợ giá (tương đương khoảng 584 triệu euro), từ Quỹ của EU, điều tác động trực tiếp tới mức sống của nông dân.

* Người lao động nhập cư

Theo số liệu chính thức, hiện tại Anh có khoảng 250.000 người Lithuania, 150.000 người Latvia, vài chục nghìn người Estonia, trên một triệu người Ba Lan sinh sống. Chỉ trong năm 2015 đã có 270.000 công dân các nước EU chuyển sang sinh sống tại Anh. Và cho đến nay vẫn chưa rõ quy chế của họ sau Brexit.

Nếu cuộc chia tay Anh-EU diễn ra theo kịch bản Brexit “cứng”, những công dân đang là công dân EU đó sẽ trở thành công dân của các nước thứ ba mà không có quyền đặc biệt nào. Có nghĩa là những công dân Latvia, Lithuania, Estonia ... sẽ tự động bị tước mất các ưu đãi: không còn khoản lương hưu cao, không còn trợ cấp thất nghiệp khi về quê hương, không còn ưu đãi trong tìm việc làm.

Thay đổi có thể động chạm đến các sinh viên. Trước hết, do Brexit họ sẽ không thể được vay tiền đi học.

Sau Brexit, tỷ giá đồng bảng Anh giảm sẽ ảnh hưởng đến tổng lượng tiền người nhập cư Pribaltic tại Anh gửi về quê. Bên cạnh đó còn có cả lo ngại về thái độ thiếu thân thiện của người Anh gốc đối với người nhập cư từ Đông Âu sau Brexit.

Đối với doanh nghiệp, họ lo ngại những thực trạng sau Brexit như tỷ giá biến động, xếp hàng tại biên giới, thuế nhập khẩu, giấy phép mới và cả nguy cơ phá sản. Theo nhiều đánh giá, Brexit tác động tiêu cực nhất đến ngành dược và ô tô của Pribaltic.

Bret còn kéo theo những thay đổi trong cơ cấu Nghị viện châu Âu và các cơ cấu khác. Tháng 6/2018 các nước châu Âu đã thông qua quyết định giảm số nghị sĩ Nghị viện châu Âu từ 751 người xuống 705 người và phân chia 24 trong 73 ghế vốn thuộc về Anh khi Anh còn trong EU cho các nước EU. Trong các nước Pribaltic chỉ có Estonia có cơ hội được thêm một ghế bổ sung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục