Đánh giá tác động khi khai thác Mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh

12:49' - 21/12/2018
BNEWS Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Hà Tĩnh thẩm định, nghiên cứu đánh giá lại dự án và hoàn thành trong quý 1/2018 nhưng đến nay các bên vẫn chưa thể thống nhất ý kiến.

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên – Cơ quan điều phối của Liên minh Khoáng sản phối hợp với Hội Địa hóa Việt Nam tổ chức hội thảo Đánh giá và cân nhắc những vấn đề đặt ra trước khi thực hiện hoạt động khai thác Mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, việc triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ Bộ, Ban, ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh cả về hiệu quả kinh tế và quan ngại về môi trường, tác động xã hội; Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Hà Tĩnh thẩm định, nghiên cứu đánh giá lại dự án và hoàn thành trong quý 1/2018 nhưng đến nay các bên vẫn chưa thể thống nhất ý kiến.

Chia sẻ góc nhìn và quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh đối với hoạt động của mỏ sắt và định hướng thời gian tới, Thạc sỹ Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng 540 triệu tấn, nằm trên địa bàn 6 xã ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại văn bản số 6253/BTNMT-ĐCKS ngày 16/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo “Sau 10 năm thực hiện dự án, đã phát sinh những vấn đề về kỹ thuật - an toàn, môi trường khi thực hiện các hạng mục của dự án và cần được giải quyết một cách thấu đáo, khoa học và thận trọng như: Vấn đề ổn định bờ mỏ, sạt lở (bờ moong và bãi thải); giải pháp tối ưu để thoát nước mỏ; hạ tầng mực nước ngầm và giải pháp ngăn chặn, xử lý xâm ngập mặn…”.

Trên cơ sơ đó, quan điểm tỉnh Hà Tĩnh là dừng hẳn dự án nhằm bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá, trong đó phải xem xét lợi ích toàn cục, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân vùng dự án.

Dưới góc độ tư vấn, phản biện xã hội, Tiến sỹ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định: Hiện tại cơ sở pháp lý của việc tái khởi động dự án chưa hoàn thiện, xuất hiện các yêu cầu mới về giải pháp bảo vệ môi trường; hiệu quả kinh tế của dự án rất thấp, khi phải đầu tư nhiều để bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở mỏ, bơm thoát nước… Hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao, chưa có phương án tiêu thụ sản phẩm khả thi, nhất là trung và dài hạn.

Nếu các giải pháp về công nghệ khai thác không khả thi khi gặp phải thiên tai hoặc do địa chất phức tạp gây ra sẽ dẫn đến sụt lở đất đá, nước tràn vào mỏ sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ tài chính; đồng thời, dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông đường bộ để vận chuyển quặng sắt và cảng nội địa do chủ đầu tư chưa có phương án giải quyết thỏa đáng.

Ngoài ra, nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh bất ổn về an ninh chính trị tại địa phương…

Do vậy, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kiến nghị, dự án chỉ nên tiếp tục triển khai sau khi giải quyết được những vấn đề về môi trường và đảm bảo khắc phục các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ, hiệu quả kinh tế - xã hội được khẳng định. Đồng thời, nên xây dựng, phát triển vùng dự án thành một thị xã gắn với du lịch biển như Cửa Lò, Nghệ An..

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia độc lập đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp… cũng thảo luận đưa ra những ý kiến về dự án. Theo đó, đề xuất 2 phương án phân tích so sánh giữa được và mất, lợi ích và thiệt hại kinh tế và môi trường đối với Dự án khai thác Mỏ sắt Thạch Khê./.

Phó Thủ tướng chỉ đạo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật Thuế tài sản
Phó Thủ tướng chỉ đạo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật Thuế tài sản

Tin liên quan

  • Thông tin xung quanh dự án mỏ sắt Thạch Khê Doanh nghiệp

    Thông tin xung quanh dự án mỏ sắt Thạch Khê

    13:38' - 13/12/2018

    Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đã có kiến nghị đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê. TKV cũng đã có công văn đề nghị Chính phủ cho sớm đưa dự án trở lại hoạt động.


Tin cùng chuyên mục