Đánh giá toàn diện việc quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội

18:30' - 20/07/2024
BNEWS Các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở để hoạt động bất động sản ngày càng phát triển, từng bước đi vào nề nếp, lĩnh vực nhà ở đạt được nhiều thành tích quan trọng...

Ngày 20/7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dự tọa đàm giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Hoạt động giám sát chuyên đề này được Quốc hội triển khai thực hiện để đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Yêu cầu quan trọng, cấp bách hơn là xem xét, điều chỉnh cách thức tổ chức thực hiện, chỉ đạo, điều hành để có kết quả thiết thực, cụ thể hơn trong việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thời gian tới; đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

“Kết quả giám sát sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có cơ hội nhìn nhận thẳng thắn, khách quan về thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, từ đó có giải pháp phù hợp, đột phá và hiệu quả hơn. Đồng thời, kết quả giám sát sẽ giúp cung cấp thông tin quan trọng cho các cơ quan có thẩm quyền, trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tọa đàm được tổ chức để thu thập thêm thông tin, ý kiến đóng góp với mục tiêu làm rõ hơn tình hình thực tiễn; đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội; xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...

Các đại biểu tham dự tọa đàm thống nhất cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành mới, cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội.

Các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở để hoạt động bất động sản ngày càng phát triển, từng bước đi vào nề nếp, lĩnh vực nhà ở đạt được nhiều thành tích quan trọng, giải quyết cơ bản được nhu cầu về nhà ở của người dân. Đặc biệt là việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công, các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ, nguồn cung bất động sản suy giảm mạnh; giá bất động sản tăng cao và ngày càng cao; mất cân đối cung - cầu trong các phân khúc của thị trường bất động sản. Việc triển khai các dự án gặp khó khăn, nhiều dự án chậm tiến độ hoặc không thể tiếp tục thực hiện trong khi phát triển các dự án mới đang chậm lại.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của hầu hết các địa phương không đạt yêu cầu đề ra; nhiều dự án bị chậm trễ, kéo dài do vướng mắc trong công tác quy hoạch, giao đất, trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, thiếu thống nhất...

Nhiều ý kiến đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề về nội dung này và khẳng định trong quá trình Đoàn giám sát làm việc tại 12 địa phương vừa qua đã thúc đẩy chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, giúp đẩy nhanh tiến độ một số dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục