Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 22/8

08:45' - 22/08/2022
BNEWS Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị giao dịch gồm: DPM và MSB.

Công ty Chứng khoán SSI duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM trên quan điểm ngắn hạn tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc có thể sẽ thúc đẩy nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu.

Theo chuyên gia của SSI, DPM đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 5 nghìn tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ) và 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 101% so với cùng kỳ) trong quý II/2022.

Mặc dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm tốc so với mức tăng trưởng đột biến 1,496% so với cùng kỳ trong quý IV/2021 và 1,088% so với cùng kỳ trong quý I/2022. SSI cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm trong quý III/2022 và thậm chí có thể âm trong quý IV/2022.

SSI ước tính thu nhập ròng năm 2022 là 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ). Đối với năm 2023, SSI giả định giá urê đầu vào sẽ giảm so với mức cơ sở cao được thiết lập trong năm nay, và do cả Nga và Trung Quốc đều sẽ tăng sản lượng xuất khẩu, nên giá bán bình quân của urê sẽ giảm đi. SSI điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 (từ 4,1 nghìn tỷ đồng) xuống 4 nghìn tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ).

SSI cũng chuyển cơ sở định giá đến năm 2023. Do đó, SSI đưa ra giá mục tiêu mới là 48.000 đồng/cổ phiếu (giảm từ 59.600 đồng/cổ phiếu).

Yếu tố hỗ trợ tăng giá chính đối với khuyến nghị của SSI sẽ là việc giá dầu giảm nhiều hơn dự kiến. Ngược lại, rủi ro giảm giá chính đối với khuyến nghị của SSI là sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường phân bón để hạ nhiệt giá phân bón.

Đối với cổ phiếu MSB, SSI duy trì khuyến nghị khả quan. Tuy nhiên, SSI giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 23.000 đồng/cổ phiếu (từ 28.400 đồng).

Mức giá này được SSI xây dựng trên các yếu tố sau:loại trừ khoản thu nhập từ việc thoái vốn FCCOM ra khỏi dự báo của SSI; giảm P/B mục tiêu xuống 1,3 lần (từ 1,5 lần), để phản ánh dư nợ tương đối cao của ngân hàng đối với các chủ đầu tư bất động sản.

Trong ngắn hạn, SSI giữ quan điểm tích cực đối với MSB với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2022 (tăng 48% so với cùng kỳ) do mức nền so sánh tương đối thấp của nửa cuối năm 2021, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong nửa cuối năm 2022 và khả năng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, MSB công bố lợi nhuận trước thuế  đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 6,9% so với cùng kỳ), mặc dù quý II/2022 chỉ đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Nếu không bao gồm khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance được ghi nhận một lần trong quý II năm 2021, lợi nhuận cốt lõi trong quý II/2022 tăng 395% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng thu nhập lãi thuần nhảy vọt 39,5% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao (tăng 8,5% so với đầu năm), trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Chất lượng tài sản được cải thiện vượt kỳ vọng của SSI (tỷ lệ nợ xấu giảm 29 điểm cơ bản xuống còn 1,5%), giúp ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng tín dụng là 115 tỷ đồng trong quý II/2022. Tuy nhiên, hoạt động thanh lý tài sản gán xiết nợ có kết quả không khả quan đã phần nào tác động đến lợi nhuận của MSB trong 6 tháng đầu năm 2022. Rủi ro giảm giá tiếp tục là chi phí huy động vốn tăng cao làm thu hẹp NIM (biên lãi ròng)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục