Đánh thức tiềm năng thương mại vùng biên

09:07' - 15/05/2022
BNEWS Dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động thương mại biên giới gặp không ít trở ngại nhưng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.
 
Cửa khẩu Lào Cai từng bước phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: TTXVN

 

Điều này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới và nâng cao đời sống dân cư cũng như chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương.

Thế nhưng, trong quá trình phát triển thương mại vùng biên vẫn bộc lộ hạn chế từ chính sách phía bạn đến hạ tầng chưa đáp ứng thực tế. Do đó, việc xây dựng kế hoạch bài bản nhằm đưa ra giải pháp thích ứng với thực tiễn sẽ được Bộ Công Thương chú trọng trong thời gian tới.

*Những biến chuyển tích cực

Với lợi thế có đường biên giới đất liền dài hơn 4 nghìn km, Việt Nam tiếp giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia cùng 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ, 21 lối mở và nhiều đường qua lại đang có hoạt động thương mại, đầu tư hiệu quả, nhất là tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn được xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Đây là khu vực được đánh giá là nơi có vị trí đặc biệt thuận lợi so với các cửa khẩu khác với trục tứ giác kinh tế trọng điểm Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giao thông thông suốt.

Ông Phạm Tuấn Long, Trưởng phòng thương mại quốc tế- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Thương mại biên giới đã tạo điều kiện cho địa phương phát huy thế mạnh và liên kết cùng các tỉnh, thành phố. Cùng đó, hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới cũng liên tục được nâng cấp, mở rộng.

Các khu kinh tế cửa khẩu của các tỉnh đang dần trở thành trung tâm kinh tế - thương mại vùng biên; nhiều địa phương đang trở thành cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và các nước chung biên giới.

Thống kê cho thấy, năm 2021 có tới 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước; trong đó, nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Không những thế, các tỉnh và chính quyền khu vực luôn duy trì cơ chế giao lưu, làm việc định kỳ và tạo điều kiện thuận lợi thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại qua biên giới không bị gián đoạn.

*Nút thắt hạ tầng

Mặc dù tuyến biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với nước láng giềng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư nguồn lực nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu còn hạn chế và chưa theo kịp nhu cầu phát triển.

 

Đơn cử như Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) là 1 trong 9 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chưa được triển khai gây lãng phí rất lớn về tiền bạc của các nhà đầu tư.

Giải thích về tình trạng này, đại diện cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Những thay đổi trong cơ chế chính sách là nguyên nhân chính bởi các chính sách ưu đãi trong Khu kinh tế chưa có tính ổn định dài hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hay như Lào Cai là tỉnh có vị trí quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cầu nối quan trọng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh thành trong cả nước sang tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc.

Mặc dù có 2 cửa khẩu quốc tế gồm 1 đường sắt, 1 đường bộ, 2 cửa khẩu phụ và 7 lối mở biên giới nhưng trong điều kiện xuất khẩu hàng hóa cả nước tăng cao, năng lực thông quan tại các cửa khẩu của Lào Cai vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thời điểm đã có hàng trăm container hàng hóa bị tắc nghẽn ở các cửa khẩu.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhìn nhận, trong phát triển loại hình cửa khẩu hiện nay vẫn còn vênh giữa văn bản và thực tế. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý cho phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, còn rất nhiều tồn tại cần phải được quan tâm đầu tư cho các tỉnh khu vực biên giới như trình độ phát triển chênh lệch; kinh tế - xã hội vùng biên giới chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước.

Hơn nữa, hạ tầng thương mại hiện đại thiếu trung tâm logistics,  kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm. Quy mô thương mại các tỉnh biên giới còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước.

Ngoài những khó khăn nội tại như quy hoạch thiếu tính dự báo, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển... điểm nghẽn lớn nhất là vốn đầu tư phát triển thiếu và bị phân tán, dàn trải.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực biên giới và tương thích với quy mô, đầu tư phát triển của các nước láng giềng.

*Sớm chuyển sang chính ngạch

Đánh giá từ giới phân tích cho thấy, so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung, thương mại vùng biên vẫn còn hạn chế. Cùng đó, cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp mà chưa hình thành vùng sản xuất tập trung cũng như chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc.

Hơn nữa, doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu hay hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu.

Ngoài việc hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn.

Vì vậy, các địa phương cần có chương trình triển khai bài bản nhằm khảo sát, đánh giá, xây dựng dữ liệu về hạ tầng thương mại trên tuyến biên giới. Điều này sẽ làm cơ sở cho các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa và tạo thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng.

Để đẩy mạnh xuất nhập khẩu khu vực biên giới, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần sớm chuyển xuất khẩu sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và tuân thủ toàn bộ quy định của nước nhập khẩu với hàng hoá nhập khẩu; trong đó, có quy định về thuế, phí, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì và nhãn mác...

Do đáp ứng được toàn bộ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu nên hàng hoá xuất khẩu chính ngạch có thể vào thị trường nhập khẩu qua tất cả các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng kế hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thành lập các khu trung chuyển, kho bãi lưu trữ hàng hoá.

Mặt khác, khẩn trương triển khai mở rộng khu vực bến bãi cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá nhằm thúc đẩy chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; xây dựng cơ chế, chính sách giảm chi phí lưu kho, phí sử dụng cơ sở hạ tầng biên giới, khuyến khích hoạt động thương mại chính ngạch.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh thêm rằng, với UBND các tỉnh vùng trồng cần triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch, giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và đơn đặt hàng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.

Mặt khác, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu.

Đặc biệt, các địa phương nên đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa; triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” và Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Bởi, Trung Quốc đã dần trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu ra thế giới của nhóm hàng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục