Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu đồ uống sang thị trường Trung Quốc

17:21' - 11/05/2022
BNEWS Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam; trong đó có nhóm đồ uống.

Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ uống tăng cường quảng bá, tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngày 11/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ, các chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam - Trung Quốc 2022.

 
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam; trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc.

Đây là một thị trường lớn nhưng lại có tính cạnh tranh cao. Chính vì vậy, để xuất khẩu đồ uống Việt Nam sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực xúc tiến thương mại, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Tài, với những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường liên tục trong thời gian vừa qua và tiếp tục nối lại các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống với thị trường Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại hy vọng ngành đồ uống của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng lượng và chất của sản phẩm cung cấp cho thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Lý Thanh Hải - Giám đốc Phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã chia sẻ về 4 điểm chính khi xuất khẩu sang thị trường này.

Đầu tiên và quan trọng nhất, doanh nghiệp nước ngoài khi có kế hoạch tham gia thị trường Trung Quốc cần chuẩn bị tâm lý. Bởi cho dù là thị trường có sức mua vô cùng lớn của 1,4 tỷ dân nhưng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính.

Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc thậm chí khắt khe phải được trải nghiệm những sản phẩm mới. Vì vậy sản phẩm nếu không cải tiến thường xuyên sẽ rất khó chinh phục được người tiêu dùng, khó tồn tại, phát triển lâu dài tại thị trường này.

Theo ông Lê Thanh Hải, đây là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt nếu doanh nghiệp nước ngoài giữ tư tưởng chỉ buôn bán thương mại đơn thuần, không đầu tư phát triển thị trường, marketing sẽ dễ dàng bị phớt lờ trước hàng triệu thương hiệu khác vốn rất tích cực quảng bá.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xác định rõ tham gia khi tham gia vào thị trường này hành trình và khoản đầu tư dài hạn, cần chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, nguồn lực đủ cho thời gian tối thiểu 3-5 năm. Thực tế có thương hiệu xây dựng kế hoạch 10-15 năm đầu tiên không có lợi nhuận.

Cùng với đó, việc trang bị kiến thức về thị trường bản địa cũng là yếu tố cần thiết và phương án dễ dàng nhất là thông qua hệ thống nhân sự địa phương.

Đội ngũ này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho triển khai dự án, nhanh chóng nắm bắt thị trường, tránh sai lầm pháp lý, kết nối nhiều đối tác và đặc biệt hưởng nhiều chính sách ưu đãi của địa phương.

Cuối cùng, khi tham gia thị trường, doanh nghiệp nhanh chóng kết nối với doanh nghiệp cùng ngành, cơ quan đoàn thể của quốc gia mình tại Trung Quốc như Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam. Đây là phương thức quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển hệ thống kinh doanh, kết nối đối tác.

Chia sẻ thêm về xu hướng tiêu dùng mới trong ngành đồ uống, theo ông Trương Tế Đông - Chủ tịch Hiệp hội Đồ uống thành phố Trùng Khánh, đồ uống có nguồn gốc và mang hương vị hoa quả với ưu điểm lớn là tốt cho sức khoẻ và sử dụng được trong nhiều bối cảnh là sản phẩm đang được ưa dùng tại Trung Quốc.

Thời gian qua, đã có nhiều nhà sản xuất chế biến loại đồ uống này tuy nhiên giá thành cao, tầng lớp bình dân khó tiếp cận. Mục tiêu là hạ giá thành sản phẩm đồ uống hoa quả để mọi tầng lớp nhân dân có thể tiếp cận.

Đặc biệt, việc cạnh tranh khốc liệt và tìm được điểm đột phá để mở rộng thị trường là những vấn đề rất quan trọng cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường đồ uống hoa quả của Trung Quốc.

Mặc dù xuất khẩu đồ uống của Việt Nam đã có nhiều bước tiến mới và tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, để xuất khẩu đồ uống Việt Nam sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực xúc tiến thương mại, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ uống cần tập trung đẩy mạnh việc truyền thông sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.

Sau phiên toàn thể, các phiên giao thương trực tuyến đã diễn ra giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp đồ uống Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng từ thị trường Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục