Đảo ngọc Quan Lạn – Minh Châu vẫn chưa có nước sạch

10:31' - 20/08/2020
BNEWS Đã 3 năm hứa trước dân của chính quyền huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), đến nay người dân đảo ngọc Quan Lạn – Minh Châu vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. 

Nhất là trong đợt hạn hán kéo dài cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, nhiều nhà nghỉ, khách sạn trên xã đảo này đã phải tính đến nước "từ chối" đón khách từ đất liền ra đảo vì thiếu nước sinh hoạt. 

* Có hồ chứa nhưng dân đảo vẫn khát

Nước sinh hoạt đối với các xã đảo luôn là vấn đề được chính quyền các địa phương của tỉnh Quảng Ninh quan tâm hàng đầu. Để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt của các xã đảo Quan Lạn và Minh Châu, từ năm 2014 huyện Vân Đồn đã xây dựng, cải tạo hồ chứa nước Lòng Dinh (thuộc địa bàn xã Quan Lạn), tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng, dung tích thiết kế khoảng 1 triệu m3.

Đến năm 2017, hồ chứa nước Lòng Dinh đã hoàn thành và hệ thống đường ống chính qua biển và tuyến ống phân phối đến các khu dân cư cũng đã thi công xong. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng du lịch và Thương mại Thẩm Gia (Công ty Thẩm Gia) vẫn chưa hoàn thành nhà máy xử lý nước, nên đến nay đã 3 năm hoàn thành hồ chứa nước mà dự án này vẫn chưa thể cấp nước sạch được cho người dân xã đảo.

Đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, người dân hai xã Quan Lạn, Minh Châu đã phải mua nước sạch giá cao.

Ông Hoàng Đức Trung, xã Quan Lạn cho hay, nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nguồn nước dự trữ của gia đình bị cạn, gia đình phải mua nước với giá 100 nghìn đồng/m3. Cả kỳ hạn hán vừa qua, gia đình phải mua tới 15 – 20 m3 để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Các nhà nghỉ, khách sạn như L.P đã từng có đề xuất tạm ngừng đưa khách ra đảo trong các ngày cuối tuần hồi cuối tháng 7, khi dịch COVID-19 kiểm soát được, nhu cầu khách du lịch ra đảo tăng cao, trong khi nguồn nước sinh hoạt trên đảo lại khan hiếm.

Một chủ đầu tư dự án khách sạn cao cấp 5 sao quốc tế lớn nhất trên đảo đang trong thời gian thi công cũng lo lắng nguồn nước phục vụ cho xây dựng. Chủ đầu tư dự án này cũng từng phải tính phương án mua nước từ đất liền chở ra đảo để đảm bảo nguồn nước thi công xây dựng.

Ngoài ra, chủ dự án này cũng tính thêm phương án dự phòng xây dựng bể chứa 2.000 m3 nước sạch để có thể chủ động nguồn nước phục vụ cho toàn bộ khách sạn khi đi vào khai thác, tránh trường hợp thời tiết khô hạn, thiếu nước phục vụ du khách.

Chi phí mua nước quá cao khiến nhiều hộ dân buộc phải sử dụng nguồn nước ngầm dù biết chất lượng nước không hề đảm bảo, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh.

Theo người dân Quan Lạn cho hay, hiện hầu hết các giếng nước trên đảo đã bị cạn khô hoặc ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều giếng nước tại các thôn vùng trũng, thấp không sử dụng được. Nước bị nhiễm chua, mặn, có màu vàng, mùi tanh.

Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, ông Lưu Minh Đức cho biết, vào khô hạn, lượng nước sinh hoạt trên đảo gặp khó khăn. Bình thường, nước trên đảo cơ bản chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu của các hộ dân, tuy nhiên, nếu có lượng lớn khách du lịch ra đảo thì Quan Lạn thực sự thiếu nước. Trận mưa giữa tháng 8 vừa qua đã giúp người dân Quan Lạn tích đủ nước dùng trong 1- 2 tháng, bớt đi khó khăn.

* Dự án tắc do… phê duyệt nhầm?

Một nghịch lý trên đảo Quan Lạn - Minh Châu là giữa lúc khô hạn, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng thì nước ở hồ Lòng Dinh lại để phí, không thể khai thác đưa nước về cho dân sử dụng.

Tuyến ống phân phối nước đến các khu dân cư cũng đã thi công xong, nhưng nhà máy xử lý nước thuộc dự án này vẫn chưa hình thành khiến dân 2 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn.

Nguyên nhân chính là, vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước từ hồ Lòng Dinh để cung cấp nước sinh hoạt được lập trên vị trí đất thuộc quyền quản lý, khai thác của Công ty Viglacera Vân Hải (thuộc Tổng Công ty Viglacera, Bộ Xây dựng).

Do phê duyệt dự án chồng lên đất của đơn vị khác, nên việc bố trí, bàn giao mặt bằng thi công nhà máy xử lý nước bị chậm tiến độ tới nay đã 3 năm.

Ông Thẩm Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Thẩm Gia (chủ đầu tư dự án) cho rằng phía chính quyền chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị nên dự án nhà máy xử lý nước không thể triển khai. Ông Sơn cho hay, tổng kinh phí dự án xây dựng nhà máy xử lý nước này vào khoảng 50 tỷ đồng.

Về khó khăn về mặt bằng thi công, chính quyền xã Quan Lạn đã chủ động phối hợp với nhà đầu tư, chính quyền huyện Vân Đồn giới thiệu vị trí mới xây dựng nhà máy xử lý nước. Tuy nhiên, do mới đây Vân Đồn có điều chỉnh quy hoạch mới nên việc ra quyết định vị trí đặt nhà máy xử lý nước lại gặp khó, chưa thể làm trong ngày một, ngày hai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn ông Cao Tường Huy cho biết, tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ phê phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn nên việc sử dụng đất trong huyện Vân Đồn phải được xem xét, bố trí lại cho phù hợp với sự điều chỉnh này.

Theo ông Huy, việc bố trí đất để xây dựng nhà máy xử lý nước sạch cho người dân đảo Quan Lạn - Minh Châu cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại vẫn chưa thể xác định được mặt bằng, vị trí để xây dựng nhà máy, cần có thêm nhiều thời gian.

Theo phân tích của giới chuyên môn, để việc lập quy hoạch, trình quy hoạch và phê duyệt quy hoạch chi tiết (1:500) cho các địa phương của huyện Vân Đồn cho đúng với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn thì thời gian cũng phải mất không dưới 1 năm.

Khi triển khai dự án, lãnh đạo UBNB huyện Vân Đồn đã từng hứa với người dân hai xã đảo là đến cuối năm 2017 người dân trên đảo Quan Lạn - Minh Châu sẽ có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm, kể từ khi việc cải tạo hồ Lòng Dinh hoàn thành, người dân Quan Lạn, Minh Châu vẫn chưa có nước sạch sử dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục