Đào quý thất thốn 30 triệu đồng/cây vẫn chưa đủ "cầu"

09:48' - 31/01/2018
BNEWS Đào thất thốn không quá cao, gốc xù xì, mốc meo, thân cây rắn rỏi. Điều đặc biệt hơn hoa đào có thể mọc ở giữa gốc, giữa thân, có cây ủ nụ rất lâu mới nở hoa.
Đào Thất Thốn có đặc điểm hoa mọc cả ở thân cây. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Những ngày này, ai có dịp đi đến hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu (tỉnh Sơn La), chắc hẳn trong lòng sẽ rạo rực và cảm nhận được không khí Tết đang đến gần. Dọc hai bên đường Quốc lộ 6 đoạn qua hai huyện này, có rất nhiều điểm bán đào rừng, với hàng nghìn cành đào đủ kích cỡ.

Đào ở đây phần lớn là cành; trong đó, có những cành cao tới 5m và có những cành đào to với chu vi hơn 40 cm. Những người bán đào ở đây cho biết, đào chủ yếu được chặt từ vườn nhà, còn lại đi mua từ của các hộ dân giáp biên giới Việt - Lào mang về đây bán. Mỗi cành đào rừng có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hơn chục triệu đồng. Cành đào càng to, có độ tuổi lâu năm, thế đứng đẹp và rêu mốc thì càng đắt.

Anh Lò A Nhà – bản Bó Nhàng 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ cho biết, năm nay đào đẹp hơn năm ngoái. Dân ở đây một số lấy đào từ vườn nhà, còn một số đi mua ở vườn của người dân, thậm chí mua từ Lào về bán. Mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 15 đến 20 triệu từ việc bán đào Tết.

Từ lâu, đào rừng Mộc Châu của tỉnh Sơn La đã trở nên quen thuộc và trở thành thương hiệu. Với vẻ đẹp thắm hồng trong sương của những cánh hoa đào, những cành đào rêu mốc đã làm say đắm lòng người mỗi dịp Xuân về.

Khác với đào được trồng ở miền xuôi, đào rừng có sức sống mãnh liệt, màu hoa dịu nhẹ, lâu phai, lâu tàn và đặc tính của nó hoang dại, nguyên sơ của núi rừng. Vì thế, đào rừng luôn được mọi người ưa chuộng trong dịp Tết, đặc biệt là người dân các tỉnh miền xuôi.

Đào Thất Thốn có đặc điểm hoa mọc cả ở thân cây. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Anh Lại Văn Thăng – một du khách ở Hà Nội cho biết, anh thường xuyên lên các tỉnh miền núi Tây Bắc công tác và vào mỗi dịp Tết anh cùng đồng nghiệp thường chọn cho gia đình, người thân những cành đào rừng để trưng bày.

“Cá nhân tôi cảm nhận vẻ đẹp của đào rừng nó vừa gần gũi vừa mộc mạc. Đặc biệt khi công sức mình mang một cành đào về cảm giác như là chuyển tải thiên nhiên vào trong không gian gia đình mình, một nguồn năng lượng gần gũi từ thiên nhiên” - anh Thăng chia sẻ.

Thú chơi hoa đào rừng dịp Tết rất phổ biến trong những năm gần đây, nhiều cây đào cổ thụ của đồng bào Mông tự trồng và được cắt cành bán vào dịp Tết, chính vì thế mà số lượng ngày càng khan hiếm. Thay vào đó, trong những năm gần đây, nhiều người đã mang giống đào ở miền xuôi lên cao nguyên Mộc Châu trồng.

Đào được trồng ở đây hợp khí hậu nên rất đẹp, vừa mang lại thu nhập cho người dân, vừa góp phần vào việc bảo vệ nguồn đào rừng tự nhiên.

Anh Nguyễn Xuân Tuấn, quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội lên lập nghiệp trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La được hơn mười năm, anh đã chọn giống đào thất thốn mang lên Mộc Châu trồng.

Anh Tuấn cho biết, cây đào thất thốn trong vườn nhà anh được lấy từ Nhật Tân (Hà Nội), trồng ở Mộc Châu hợp với khí hậu nên đào cho ra hoa cách dày và đỏ thắm sắc tươi hơn so với đào trồng ở xuôi.

 Vườn đào Thất Thốn hàng trăm cây của anh Nguyễn Xuân Tuấn. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Đào thất thốn nở đúng dịp Tết, số lượng có hạn. Chính vì độ hiếm của loại cây này nên được người chơi đào gọi là “đào tiến vua”. Việc chăm sóc giống đào này khó hơn so với đào bình thường, năm nay vào năm nhuận nên đào nở nhiều hoa hơn và đúng dịp Tết.

Cho đến nay, cái tên “thất thốn” của giống đào quý này vẫn là một ẩn số, người thì cho rằng thất thốn bởi lá đào dài đúng 7 thốn (7 đốt ngón tay – đơn vị đo chiều dài của y học phương Đông cổ xưa), có người nói cứ 7 thốn cây sẽ chia cành một lần, có người lại nói 1 thốn có 7 bồn hoa, người khác lại bảo gọi như vậy là vì cứ 7 thốn sẽ có một bông hoa mọc thẳng từ thân cây...

Đào thất thốn không quá cao, gốc xù xì, mốc meo, thân cây rắn rỏi. Điều đặc biệt hơn hoa đào có thể mọc ở giữa gốc, giữa thân, có cây ủ nụ rất lâu mới nở hoa – anh Tuấn chia sẻ.

Anh Bùi Văn Dũng – một người chơi đào ở huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, những năm gần đây anh thường lên Sơn La để săn mua đào thất thốn. Đây là giống đào quý, được nhiều người chơi đào yêu thích và săn lùng. Đào được trồng ở đất Mộc Châu hợp khí hậu nên hoa rất đẹp, hoa nhiều, có màu tươi thắm, cánh dày, đẹp hơn so với đào cùng loại được trồng ở dưới xuôi.

Với 400 trăm gốc đào thất thốn, cây thấp nhất giá khoảng 5 triệu đồng/cây, có cây giá khoảng 30 triệu đồng. Mỗi dịp Tết, gia đình anh Nguyễn Xuân Tuấn thu nhập từ bán đào thất thốn cả trăm triệu đồng./.

>>> Thú chơi hoa ngày Tết: Bài 1 - Đào thất thốn, nghề chơi công phu đất kinh kỳ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục