Đáp án cho bài toán kinh tế hậu COVID-19
Thế giới chưa từng phải đối mặt với dịch bệnh nào phức tạp như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Với khoảng 2 triệu người mắc bệnh và hơn 126.000 người tử vong tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến giữa tháng Tư, COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa đất nước, đóng cửa biên giới làm gián đoạn chuỗi cung, hàng tỷ người phải ở trong nhà trong nhiều tuần, các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây ra cú sốc cung cầu khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đình trệ.
Đây là nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930.
Điều này đòi hỏi các quốc gia không chỉ cần có chính sách hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, vực dậy nền kinh tế trong nước, mà còn phải phối hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF dự báo dịch bệnh sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái sâu nhất trong một thế kỷ, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm nay, còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập niên.
Dù nền kinh tế có thể phục hồi một phần vào năm 2021, song tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn sẽ thấp hơn thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
IMF tin rằng dịch bệnh sẽ giảm trong nửa cuối năm nay, song nếu viễn cảnh này không xảy ra, GDP toàn cầu có thể giảm thêm 3% nữa.
Mỹ, nền kinh tế số một thế giới và cũng đang là tâm dịch, sẽ ghi nhận tăng trưởng GDP giảm 5,9% trong năm nay và phục hồi ở mức 4,7% trong năm tới.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác, tăng trưởng giảm tới 7,5% trong năm nay.
Dịch bệnh kèm giá dầu tụt dốc cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng khu vực Trung Đông và Bắc Phi được dự báo sẽ giảm 3,3% trong năm 2020, mức giảm mạnh nhất trong 4 thập niên.
Dù vẫn đang đứng sau về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19,tăng trưởng của các nền kinh tế ở khu vực Nam Sahara của châu Phi cũng sẽ giảm 1,6% do các hoạt động kinh tế bị gián đoạn.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath cảnh báo nợ toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm tới, nhấn mạnh rằng việc tái cấu trúc và giãn nợ có thể vẫn cần được duy trì, khi kinh tế thế giới hoạt động bình thường trở lại sau các lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Trong viễn cảnh lạc quan nhất, IMF ước tính thế giới sẽ tổn thất 9.000 tỷ USD về sản lượng trong 2 năm, tương đương với tổng GDP của Đức và Nhật Bản cộng lại.
Theo IMF, kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng là điều không thể tránh, nhưng các biện pháp tài chính và tiền tệ có thể giảm bớt cú sốc này và đảm bảo nền kinh tế có đủ năng lực để phục hồi khi lệnh phong tỏa chấm dứt.
Thời gian qua, các chính phủ đã triển khai những gói kích thích khổng lồ để giúp kinh tế trụ vững qua đại dịch. Các ngân hàng trung ương đã hành động từ rất sớm.
Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên cắt giảm lãi suất ngay từ ngày 5/2, khi dịch bệnh mới chỉ lây lan tại Trung Quốc.
Dịch bệnh lan rộng, hàng chục ngân hàng trung ương đã tham gia động thái này, thậm chí có những nơi hạ tới 2 lần trong chưa đầy 2 tháng. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 17/3 đã quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản xuống còn 0-0,25%.
Đây là lần thứ hai trong vòng hơn 1 tuần FED hạ lãi suất, và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, FED giảm lãi suất xuống thấp ở mức gần như tượng trưng như vậy.
Nhằm thúc đẩy việc vay vốn ngân hàng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thông báo sẽ áp dụng biện pháp chưa có tiền lệ là nới lỏng các quy định về thế chấp tài sản, khi sẽ chấp nhận các khoản vay "có chất lượng tín dụng thấp hơn" và thậm chí là cả thế chấp trái phiếu chính phủ Hy Lạp - thường bị đánh giá ở mức "không đáng đầu tư" và rủi ro cao.
Cuối tháng trước, Mỹ đã công bố gói cứu trợ chưa từng có trong lịch sử với giá trị kỷ lục lên tới hơn 2.000 tỷ USD, bao trùm một loạt lĩnh vực rộng lớn.
Ngay cả Italy, quốc gia có tỷ lệ nợ công và thất nghiệp khá cao tại Eurozone, cũng đã thông qua việc chi 25 tỷ euro (27,8 tỷ USD) nhằm giúp giãn nợ cho doanh nghiệp, giúp các công ty có thể trả lương cho nhân viên trong thời gian tạm nghỉ do lệnh phong tỏa tại quốc gia là tâm dịch của châu Âu này.
Tại châu Á, nhờ các biện pháp cứng rắn áp dụng từ cuối tháng 1, Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng cơ chế phong tỏa nghiêm ngặt cũng làm đóng băng phần lớn hoạt động sản xuất ở nền kinh tế số hai thế giới với tỷ lệ thất nghiệp lên mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2.
Do đó, đầu tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm 1.700 tỷ NDT (tương đương 243 tỷ USD) vào thị trường tài chính, đợt bơm tiền lớn nhất kể từ năm 2004 đến nay.
PBoC sau đó tiếp tục hạ lãi suất cho vay ngắn hạn và trung hạn, cũng như giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc để hỗ trợ kinh tế.
Hàng loạt biện pháp mạnh tay và thậm chí chưa có tiền lệ này đã giúp thị trường phần nào bình ổn trở lại, doanh nghiệp tránh được nguy cơ phá sản, người lao động có thể an tâm ở nhà để giảm nguy cơ lây lan.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các biện pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà giới chuyên gia cảnh báo các chính phủ cần lường trước để tránh xảy ra một cú sốc khác.
Việc triển khai các gói kích thích khổng lồ sẽ khiến chính phủ bị thâm hụt ngân sách nặng, trong khi hoạt động kinh tế phải mất một thời gian mới có thể phục hồi, nhu cầu ở thế giới chưa thể tăng trở lại.
Với tỷ lệ nợ công/GDP là 58,8% trong năm ngoái, các nước đang phát triển ở châu Á đã vượt quá tỷ lệ đối với các nước đang phát triển và tiến dần đến tỷ lệ đối với các nước phát triển.
Trong điều kiện thông thường, các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng có thể là giải pháp cứu vãn các công ty trong thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang suy yếu, cộng thêm áp lực nợ xấu, dịch bệnh kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp có nguy cơ chìm sâu vào nợ.
Bên cạnh đó, khả năng phục hồi kinh tế trong năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh trong nửa sau của năm 2020. Dù tìm ra phương pháp chữa trị hoặc vaccine là cách chắc chắn nhất trong việc kiểm soát dịch, song cho tới lúc đó, không một nước nào là an toàn trước dịch bệnh.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã lan rộng trên toàn cầu, IMF cho rằng hợp tác đa phương mới đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tác động của đại dịch.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau khi lệnh hạn chế bị dỡ bỏ, IMF cũng kêu gọi giảm bớt các hàng rào thuế quan và phi thuế quan có thể cản trở thương mại xuyên biên giới và chuỗi nguồn cung toàn cầu.
Các hành động phối hợp không chỉ giúp tăng hiệu quả, mà còn giúp giảm bớt các sai lầm trong thế kỷ vừa rồi, khi các nước theo đuổi lợi ích riêng, khiến suy thoái toàn cầu trầm trọng hơn.
Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, những quốc gia yếu kém về tài chính và có hệ thống y tế nghèo nàn sẽ khó có thể chống chọi trong thời gian dài.
Uớc tính các thị trường mới nổi cần ít nhất 2.500 tỷ USD để vượt qua cuộc khủng hoảng này và nguồn lực nội tại của họ cũng như năng lực vay của thị trường sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu.
Vì vậy, IMF đã kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài cho những quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính để ứng phó dịch bệnh. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ quốc tế đã nhất trí giãn nợ một phần cho những quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm nay.
Quyết định cũng nhận được sự ủng hộ của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Đây được xem là biện pháp giải cứu kinh tế thiết yếu khi Tổ chức viện trợ quốc tế Oxfam cảnh báo COVID-19 có nguy cơ đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới lâm vào cảnh nghèo đói.
Diễn biến dịch bệnh vẫn là yếu tố then chốt tác động đến sự phục hồi của kinh tế. Do chưa thể khẳng định khi nào dịch kết thúc, các nước cần có sự chuẩn bị tốt để có thể nhanh chóng phục hồi khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Điều quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, là các quốc gia cần có sự thống nhất và phối hợp hành động, không chỉ trong kiểm soát dịch bệnh mà cả các biện pháp khôi phục kinh tế-thương mại hậu đại dịch./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
IMF: Dịch COVID-19 đe dọa nghiêm trọng sự ổn định tài chính
13:33' - 15/04/2020
Dịch COVID-19 đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính, khi các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn đang thắt chặt so với hồi đầu năm.
-
Kinh tế Thế giới
Dịch COVID-19: Kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong 300 năm
07:59' - 15/04/2020
Theo Cơ quan dự báo ngân sách của Anh, kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong 3 thế kỉ và dự kiến mức nợ công sẽ vượt quá mức cao của giai đoạn hậu Thế chiến thứ 2.
-
Kinh tế Thế giới
Dịch COVID-19 đang làm biến đổi ngành công nghiệp sản xuất như thế nào?
06:30' - 15/04/2020
Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, các nền kinh tế phát triển dường như đang chuẩn bị để phục hồi ngành công nghiệp chế tạo.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ: Các bên chính thức ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực
07:47'
Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã ký một biên bản ghi nhớ với Nhà Trắng.
-
Kinh tế Thế giới
EU "đáp trả" vụ Mỹ áp thuế nhập khẩu ô liu Tây Ban Nha
16:19' - 26/11/2024
Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/11 đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng các biện pháp ứng phó để bù đắp cho việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với ô liu Tây Ban Nha.
-
Kinh tế Thế giới
"Mê cung" nhãn thực phẩm tại châu Âu
15:58' - 26/11/2024
Ngày 25/11, các kiểm toán viên EU cho biết người tiêu dùng mua sắm thực phẩm ở châu Âu đang đối mặt với nguy cơ "bị lừa" do sự gia tăng các nhãn mác thực phẩm gây nhầm lẫn và đôi khi là sai lệch.
-
Kinh tế Thế giới
AFP dự báo 5 sự kiện thế giới nổi bật không thể bỏ qua trong năm 2025
15:45' - 26/11/2024
Theo bình chọn từ hãng tin AFP, dưới đây là 5 sự kiện nổi bật không thể bỏ qua trong năm 2025, trong đó có nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Thế giới 2024 đầy biến động qua lăng kính của AFP
15:45' - 26/11/2024
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với hàng loạt sự kiện quan trọng trên toàn cầu. Dưới đây là những dấu ấn không thể quên trong năm 2024 do hãng thông tấn AFP của Pháp bình chọn.
-
Kinh tế Thế giới
OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu
15:29' - 26/11/2024
OPEC+ đang cân nhắc duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu hiện tại từ ngày 1/1/2025. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 1/12.
-
Kinh tế Thế giới
California cân nhắc loại Tesla khỏi chương trình ưu đãi thuế xe điện mới
13:09' - 26/11/2024
Thống đốc California cho biết nếu ông Trump loại bỏ ưu đãi thuế liên bang cho xe điện, ông sẽ đề xuất một phiên bản mới cho Chương trình Hoàn tiền cho xe không phát thải của bang California.
-
Kinh tế Thế giới
Triều Tiên tháo dỡ đường dây điện khu công nghiệp liên Triều
11:23' - 26/11/2024
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã tháo dỡ đường dây cung cấp điện cho khu công nghiệp chung đã đóng cửa tại thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên.
-
Kinh tế Thế giới
Giới doanh nghiệp Mỹ bớt lo âu sau đề cử Bộ trưởng Tài chính
09:59' - 26/11/2024
Theo CNN ngày 25/11, giới doanh nghiệp Mỹ thở phào sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra đề cử Bộ trưởng Tài chính.