Dấu ấn hợp tác của Canada tại Sóc Trăng - Bài cuối: Hiệu quả từ những dự án được tài trợ

09:40' - 19/06/2022
BNEWS Sóc Trăng là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Canada và là một trong số ít các địa phương nhận được sự hỗ trợ liên tục trong một thời gian dài.

 

Điều đó chứng minh mối quan hệ đối tác song phương rất tốt đẹp và thành công giữa Canada và Việt Nam trong đó có tỉnh Sóc Trăng, xuất phát từ việc tỉnh giải ngân hiệu quả và có trách nhiệm, tạo ra những kết quả ấn tượng, bền vững qua từng chương trình, dự án được triển khai.

* Hỗ trợ Sóc Trăng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ông Dương Văn Ngoảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết : Từ năm 2000 đến nay, Sóc Trăng đã được hưởng lợi từ 6 chương trình, dự án do Canada hỗ trợ, tài trợ thực hiện.

Trong đó, tỉnh trực tiếp được hưởng lợi từ 3 chương trình, dự án, với tổng số tiền tài trợ 23 triệu đô la Canada (CAD).

Cụ thể là từ Chương trình Giảm nghèo nông thôn Sóc Trăng (2000-2008), bao gồm ba dự án hợp phần: Nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Sóc Trăng (IRLP), Dịch vụ và Phát triển cơ sở hạ tầng (SSI) và Nâng cao năng lực và tạo môi trường thuận lợi (CDEEP).

Tổng kinh phí 3 dự án (hợp phần) này khoảng 12 triệu CAD. Dự án Nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi tỉnh Sóc Trăng (2006-2010) được tài trợ khoảng 2,4 triệu CAD; Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng (2011-2021) được tài trợ 9,2 triệu CAD.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng là một trong các địa phương được thụ hưởng 3 dự án khác là: Quản lý Nhà nước về Môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam (VPEG, được triển khai trên 8 tỉnh, thành phố); Đẩy mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (STEP, triển khai trên 14 tỉnh, thành phố); Phát triển doanh nghiệp hợp tác xã (VCED, triển khai trên 5 tỉnh, thành phố).

Trong số các dự án, chương trình Sóc Trăng được hưởng lợi trực tiếp từ Chính phủ Canada, phải kể đến Chương trình Giảm nghèo nông thôn tỉnh Sóc Trăng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada - CIDA tài trợ, gồm 4 hợp phần với tổng số vốn đầu tư 12 triệu CAD.

Trong đó, Nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Sóc Trăng là dự án (hợp phần) trực tiếp thực hiện các hoạt động xóa đói, giảm nghèo tại các xã vùng dự án ở 4 huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị và Vĩnh Châu. Dự án thực hiện được 213 tiểu dự án từ nguồn quỹ doanh nghiệp cộng đồng, hầu hết về nuôi bò với tổng số khoảng 2.500 con; trồng lúa ST3, trồng hành tím.

Dự án đã tổ chức hơn 400 lớp tập huấn cho thành viên 130 câu lạc bộ về quản lý sổ sách, quản lý tín dụng và tiết kiệm, quản lý câu lạc bộ, kỹ thuật nuôi bò sữa, quản lý kinh tế hộ, sổ tay xã viên hợp tác xã và quản lý hợp tác xã, kỹ năng truyền thông, theo dõi và giám sát mạng lưới các hoạt động chăm sóc y tế cho trưởng trạm, cán bộ y tế cấp huyện. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức nhiều hội thảo để rút kinh nghiệm, đặc biệt là hội thảo về kỹ thuật nuôi bò được tổ chức hàng tháng.

Hoạt động hợp tác thu mua sữa Evergrowth có sự hỗ trợ của Canada đã làm cho sản lượng thu mua sữa bò đến cuối tháng 2/2006 tăng lên khoảng 700 kg sữa/ngày so với năm 2000. Hợp tác xã hiện nuôi 3.309 con bò ở thị trấn Mỹ Xuyên và huyện Mỹ Tú, trong đó có 1.514 bò sữa và bò hậu bị.

Đến nay, Hợp tác xã Evergrowth có 678 xã viên, hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho gần 2.000 hộ dân nuôi bò sữa.

Ngoài ra, Hợp tác xã đã tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần sữa Evergrowth năm 2019, cho ra đời sản phẩm sữa hộp với nhãn hiệu EverMilk; thành lập, hỗ trợ Hợp tác xã kiểu mới Evergrowth hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Một thành công nữa là đã hình thành mô hình liên kết sản xuất theo hướng chuỗi giá trị và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Dự án Dịch vụ và Phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ (SSI) cũng tạo ra thay đổi lớn cho giao thông nông thôn tại Sóc Trăng. Dự án đã xây dựng được 95 công trình trên địa bàn 44 xã thuộc 8 huyện.

Trong đó có 60 công trình đường giao thông nông thôn, 23 cầu nông thôn, 4 công trình trường học, 5 công trình điện khí hóa và 3 công trình kênh thủy lợi. Tổng giá trị đầu tư các công trình là gần 43 tỷ đồng, trong đó vốn CIDA gần 33,3 tỷ đồng.

Đối với Dự án Nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi tỉnh Sóc Trăng, kết quả đem lại cũng rất khả quan; chất lượng, giá trị của các sản phẩm từ cây trồng và chăn nuôi bán ra đã được cải thiện

Tiêu biểu nhất là các giống lúa thơm ST đã được nông dân Sóc Trăng và một số tỉnh như Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang rất ưa chuộng, đưa vào sản xuất đại trà. Diện tích lúa ST đã tăng lên nhanh tại Sóc Trăng cũng như các tỉnh trong cả nước. Gạo thơm ST đã trở thành lợi thế của tỉnh và chất lượng gạo được đánh giá cao ở thị trường trong tỉnh, các thành phố lớn của cả nước.

Chất lượng heo (lợn) giống và heo thịt có xuất xứ từ Canada cùng với công thức lai heo 3 máu đã cho ra đàn heo thịt có các chỉ số kinh tế cao hơn cho Sóc Trăng. Heo giống của Sóc Trăng được đánh giá là có chất lượng tốt hơn so với các tỉnh trong khu vực.

Qua đó, giá trị sản xuất và lợi nhuận mang lại cho nông dân, người chế biến lương thực đã tăng đáng kể. Các giống lúa chất lượng cao tăng về giá, Trong đó, giá gạo thơm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tăng thêm 20% so với giá thị trường. Giá heo giống tăng từ 1.700 - 2.000 đồng/kg; heo thịt cho thu nhập cao hơn, từ 100.000 - 200.000 đồng/con; đặc biệt heo thịt 3 máu còn cho thu nhập cao hơn, khoảng 400.000 đồng/con.

* Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phát huy những thành quả đạt được từ Chương trình Giảm nghèo nông thôn do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ cũng như tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược giảm nghèo của tỉnh Sóc Trăng, CIDA tiếp tục đầu tư Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng.

Dự án được triển khai từ tháng 6/2011 đến 31/12/2021 trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Sóc Trăng với tổng số vốn 10,2 triệu CAD, trong đó Chính phủ Canada tài trợ 9,2 triệu CAD và vốn đối ứng của tỉnh Sóc Trăng là 1 triệu CAD.

Kết quả là hơn 11.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng lợi từ Dự án, chiếm hơn 50% số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Nhờ các hỗ trợ này, mặc dù Sóc Trăng cũng như nhiều tỉnh khác vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của hạn mặn, dịch COVID-19, biến động của thị trường, song số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký mới hàng năm của tỉnh vẫn tăng liên tục qua các năm.

Từ 1.165 doanh nghiệp vào năm 2011, năm 2021 Sóc Trăng đã có 3.810 doanh nghiệp. Như vậy, trung bình, mỗi năm Sóc Trăng đã có 327 doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký mới, đạt 115,9% so với chỉ tiêu 282 đơn vị hàng năm, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ và người Khmer làm chủ chiếm tương ứng 23% và 4%.

Với phương châm "Cơ sở hạ tầng đi trước một bước" phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong giai đoạn 2012-2014, Dự án đã hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng 29 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại 18 xã/thị trấn thuộc 5 huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Xuyên và Trần Đề.

Các công trình này được ưu tiên lựa chọn dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng cộng đồng của 18 xã mục tiêu. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng lợi đã tăng thêm 4.084 đơn vị, đạt 153,7% chỉ tiêu.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào GRDP của tỉnh với mức trung bình 49.65% cho giai đoạn 2011-2020. Năm 2021, dù chịu tác động đáng kể từ dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đóng góp tới 59,69% GRDP của tỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đóng góp 18,67% vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (năm 2021).

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi từ Dự án do Canada hỗ trợ. Dự án giúp cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, ươm tạo doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo.

Dự án cũng tác động lên các chính sách, nhiều văn bản pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được tỉnh Sóc Trăng xây dựng, ban hành ... qua đó, các doanh nghiệp này đã không ngừng lớn mạnh, tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng./.

Xem thêm:

>>>Dấu ấn hợp tác phát triển của Chính phủ Canada tại Sóc Trăng - Bài 1: Hợp tác toàn diện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục