Dấu ấn kinh tế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

05:30' - 11/03/2022
BNEWS Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron đã chính thức tuyên bố tái tranh cử và bây giờ là thời điểm để dư luận Pháp đánh giá lại kết quả nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Kênh phát thanh quốc gia Pháp Franceinfo đã lựa chọn, đánh giá mức độ thực hiện 100 lời hứa chính, trong số 400 vấn đề cụ thể mà ông đưa ra trong chương trình tranh cử năm 2017. Theo kênh phát thanh quốc gia này, ông Macron đã hoàn thành 46 điều, thực hiện phần nào 28 điều và chưa thực hiện 26 điều.

Ở góc độ kinh tế, lộ trình đã được ông Macron thực hiện khá tốt bất chấp rất nhiều khó khăn. Hiện đại hóa nền kinh tế là một trong những trục chính trong chiến dịch tranh cử năm 2017. Ông được coi là có năng lực hơn các đối thủ về chủ đề này do đã từng có thời gian làm thanh tra tài chính và từng là một chủ ngân hàng. Cho đến nay, ông vẫn khá trung thành với những gì đã cam kết, bất chấp những thách thức từ phong trào “áo vàng” và đại dịch COVID-19.

 
Ví dụ, khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông Macron đã nhanh chóng hạ mức thuế doanh nghiệp xuống 25% như đã hứa, đồng thời áp dụng thuế bất động sản (IFI) thay cho thuế tài sản (ISF) đối với các hộ gia đình có bất động sản ròng vượt quá 1,3 triệu euro từ cuối năm 2017. Ông cũng thực hiện cam kết “tất cả người lao động đều có quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp” từ tháng 11/2019, cho phép những người đang làm việc được hưởng trợ cấp một lần 800 euro/người trong tối đa 6 tháng.

Ông Macron cũng đã hiện thực hóa mong muốn “tăng lương ròng bằng việc loại bỏ các khoản đóng góp của người lao động” thông qua Luật an sinh năm 2018. Biện pháp này cũng cho phép tăng thưởng để những người hưởng lương có thêm trung bình 3,5% sức mua trong 5 năm. Ngoài ra, đã có 4/5 hộ gia đình được hưởng chế độ miễn thuế nhà ở trong năm 2020.

Tuy nhiên, không phải mục tiêu nào cũng được thực hiện trọn vẹn. Ví dụ, Tổng thống đương nhiệm muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 7% và tạo thêm 1,3 triệu việc làm. Trong 5 năm, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể và dừng ở mức 7,4% trong quý IV/2021. Từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2021, số việc làm được trả lương dừng ở mức 1,14 triệu việc làm. Tuy nhiên, những số liệu này thấp hơn một chút so với lời hứa ban đầu. Ngoài ra, một cam kết khác là cắt giảm 120.000 vị trí công chức cũng chưa được hoàn thành.

Về lĩnh vực xã hội, chương trình đầy tham vọng mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2017 cũng “gần như được tôn trọng đầy đủ”. Phần lớn những lời hứa đều đã được thực hiện, trong đó biện pháp mang tính biểu tượng là giảm một nửa sĩ số của lớp một (CP) và lớp hai (CE1) của hệ thống giáo dục ưu tiên (REP), được áp dụng ngay đầu năm học 2017. Cải cách tú tài được áp dụng từ đầu năm học 2019.

Về y tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 liên tục tấn công nước Pháp trong suốt hơn hai năm, bảng tổng kết các nỗ lực của ông Macron thể hiện những sắc thái trái ngược nhau. Không phải đề xuất tranh cử nào cũng được thực hiện ổn thỏa. Chẳng hạn, mục tiêu tính bảo hiểm 100% cho kính mắt, máy trợ thính và răng giả, nhưng không tăng giá các khoản tương hỗ đã không làm được, bởi giá bảo hiểm tương hỗ hiện đã tăng 3,4% so với năm 2021.

Ông Emmanuel Macron cũng đã hiện thực hóa cam kết tăng lương cho các nhân viên chăm sóc y tế và tối ưu hóa tài chính cho các bệnh viện, được thể hiện trong bản “Tham vấn Bộ y tế và 33 đề xuất” đưa ra vào tháng 7/2020. Kết quả là sau 18 tháng, đã có hơn 1,5 triệu nhân viên được tăng lương thêm 183 euro/tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn được đánh giá là không đủ.

Trong lĩnh vực an ninh và tư pháp, bảng tổng kết cho thấy còn nhiều tồn tại vì đây không phải là điểm mạnh của ông Emmanuel Macron. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu, cụ thể là tuyển dụng 10.000 cảnh sát và hiến binh, vẫn được thực hiện. Theo một báo cáo của Ủy ban tài chính Thượng viện Pháp, từ năm 2017 đến nay, nước này có hơn 10.500 cảnh sát và hiến binh đã được nhận vào làm việc.

Môi trường cũng là lĩnh vực có nhiều điều để nói, bởi theo cương lĩnh tranh cử năm 2017, đây không phải là trọng tâm chính của ứng cử viên Macron. Tuy nhiên, khi bước chân vào Điện Elysée, ông đã mạnh mẽ cam kết biến mục tiêu bảo vệ môi trường thành “cuộc chiến thế kỷ”.

Một số cam kết đã được giữ nguyên, chẳng hạn cấm khai thác khí đá phiến, không cấp phép mới cho các hoạt động thăm dò hydrocacbon, áp đặt ít nhất 50% sản phẩm hữu cơ có nhãn chất lượng hoặc nhãn địa phương được sử dụng trong hệ thống canteen toàn quốc. Ngoài ra là cam kết đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than, cụ thể đã có 3 trong số 4 nhà máy tại Pháp ngừng hoạt động và nhà máy cuối cùng sẽ đóng cửa vào năm 2024.

Tuy nhiên, cũng có những lời hứa khác chỉ đơn giản là không được thực hiện, chẳng hạn như tăng gấp đôi công suất của năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời. Số liệu từ Mạng lưới truyền tải điện quốc gia (RTE) cho thấy các nỗ lực đều quá chậm trễ để có thể hoàn thành mục tiêu trước khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm. Kết quả cũng tương tự đối với mục tiêu thiết lập thời gian biểu loại bỏ dần các loại thuốc trừ sâu.

Về thể chế và đời sống chính trị cũng không thấy những cải cách lớn có thể kể tên. Điều được ông coi là đóng góp lớn nhất cho thể chế lại chính là sự đắc cử của ông. Với ông Macron, Quốc hội đã trẻ hóa, bình đẳng hơn và xuất hiện nhiều nghị sĩ trước đây chưa từng được bầu.

Kết quả thực hiện các đề xuất về thể chế còn rất hạn chế, trong đó luật đạo đức hóa đời sống chính trị mới chỉ đạt được một phần. Hoạt động cố vấn của các nghị sĩ đã được quản lý chặt chẽ, không ai còn có thể thuê người nhà làm việc, trong khi chế độ hưu trí đặc biệt cũng đã được hủy bỏ.

Tuy nhiên, những lời hứa khác vẫn chỉ nằm trên giấy, chẳng hạn đề xuất cấm các nghị sĩ tham gia quá ba nhiệm kỳ liên tiếp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục