Đâu là thời điểm Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19

18:07' - 08/11/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 tại Mỹ có thể sẽ được đẩy lùi vào đầu tháng 1/2022 và bước sang giai đoạn mới, trở thành một căn bệnh đặc hữu.

Đây là nhận định mà Tiến sĩ Scott Gottlieb, thành viên ban quản trị của hãng dược phẩm Pfizer, đưa ra cuối tuần qua trên CNBC.

Đầu tháng 1/2022 cũng là thời điểm thực hiện chỉ thị của Tổng thống Joe Biden về việc yêu cầu tiêm vaccine phòng bệnh bắt buộc với những người đến làm việc trực tiếp tại các cơ quan công sở và cơ sở sản xuất.

Theo đó, tất cả công ty có ít nhất 100 nhân viên sẽ phải thực hiện các quy định mới về tiêm phòng COVID-19 của Cơ quan Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA).

Với các quy định này, đến ngày 4/1/2022, khoảng 84 triệu người lao động trong các lĩnh vực tư nhân sẽ phải tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ nếu không muốn phải xét nghiệm định kỳ.

Tiến sĩ Gottlieb, cựu quan chức của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), nhận định đến thời điểm nói trên, nước Mỹ sẽ tiến đến giai đoạn cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Đó là lúc dịch hầu như bị đẩy lui tại Mỹ sau khi nước này vượt qua làn sóng lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện nay. Sau đó, nước Mỹ sẽ chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, giống như bệnh cúm.

Ngoài ra, tất cả các công ty cũng phải tuân thủ các quy định mới của OSHA như bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà với những nhân viên chưa tiêm phòng từ ngày 5/12.

Những nhân viên này cũng phải nộp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính định kỳ hằng tuần kể từ sau ngày 4/1/2022 để có thể đến cơ quan làm việc và những người có xét nghiệm dương tính phải tự cách ly.

Những người có lý do về tôn giáo hoặc về sức khỏe có thể không phải áp dụng các quy định này.

Trong khi đó, những nhân viên làm việc ngoài trời, ở nhà hoặc ở những nơi không có tiếp xúc trực tiếp với người khác cũng không phải áp dụng các quy định này.

Theo quy định của OSHA, các công ty không bắt buộc phải trả tiền xét nghiệm hay tiền mua khẩu trang cho nhân viên, nhưng công ty nào bị phát hiện để xảy ra vi phạm sẽ bị phạt từ 13.653 USD đến 136.532 USD.

Nói về loại thuốc kháng virus mới mà hãng Pfizer phát triển cho kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ khả quan trong điều trị COVID-19, ông Gottileb khẳng định không nên coi đây là một biện pháp thay thế cho việc tiêm phòng vaccine.

Tiến sĩ này lưu ý thuốc điều trị COVID-19 của hãng Pfizer chỉ nên được coi là lựa chọn để bảo vệ những người không thể tiêm vaccine hoặc mắc bệnh dù đã tiêm vaccine.

Ông cho rằng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 định kỳ hoặc điều chỉnh vaccine để thích ứng với các biến thể mới của virus cũng có thể là những điều cần thiết trong giai đoạn mới của dịch bệnh.

Trước đó, hãng Pfizer công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ thuốc kháng virus có tên là Paxlovid, được sử dụng kết hợp với một loại thuốc kháng virus đã biết là ritonavir, cho hiệu quả ngăn chặn 89% nguy cơ nhập viện và tử vong ở các bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm có nguy cơ cao bệnh nặng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục