Đầu số 112 sẽ được sử dụng để tiếp nhận yêu cầu cứu nạn trên toàn quốc

15:51' - 07/06/2016
BNEWS Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 (PCTT&TKCN) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 7/6/2016 tại Hà Nội.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2016 cần triển khai sử dụng chung đầu số 112 để phục vụ tiếp nhận thông tin về các tình huống tìm kiếm cứu nạn, yêu cầu cứu nạn trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- Phan Tâm cho biết, công tác PCTT&TKCN của Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm thông tin liên lạc khi xảy ra thiên tai.

Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai lâu dài để mỗi năm có nhiều tiến bộ, hạn chế thiệt hại cho Nhà nước và giảm bớt các ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông.

Năm 2016, Ban chỉ huy sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả".

Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy PCTT&TKCN; tăng cường công tác phổ biến, quán triệt và thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của Bộ TT&TT về thông tin bảo đảm an toàn cứu nạn, cứu hộ trên biển; triển khai thực hiện Đề án thông tin liên lạc khẩn cấp dùng cho tất cả các tình huống tìm kiếm cứu nạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 4/2/2016.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2015, thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật. Số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới giảm nhưng diễn biến phức tạp.

Các loại hình thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nắng nóng, khô hạn kéo dài tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Tây Nam Bộ; lốc tố, giông sét, mưa lớn kéo dài theo ngập lụt tại các tỉnh Đông Bắc đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Năm 2015, tổng thiệt hại do thiên tai, bão lụt cho toàn ngành ước tính gần 13 tỷ đồng, trong đó VNPT là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất. Tổng thiệt hại trực tiếp do thiên tai gây ra đối với mạng lưới viễn thông của Tập đoàn VNPT năm 2015 khoảng 8,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, Viettel ít bị ảnh hưởng hơn khi chỉ có 03 trạm viễn thông bị ngập lụt phải tháo dỡ; 30 tuyến cáp nhánh bị thiệt hại, mất điện trên diện rộng làm ảnh hưởng đến 1425 trạm. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 865 triệu đồng. Các doanh nghiệp khác thiệt hại không đáng kể.

Ngoài ra, bão, lũ mưa lớn kéo dài, giông, lốc cũng đã gây thiệt hại về tài sản của Tổng Cty Bưu chính Việt Nam VNPOST ước tính khoảng 3,16 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp viễn thông cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc bảo đảm thông tin liên lạc khi có thiên tai và phương pháp xử lý các hậu quả thiên tai để đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục