Đầu tư nước ngoài đang định hình lại xu hướng toàn cầu hóa

05:30' - 13/07/2024
BNEWS Báo cáo mới nhất về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu được công bố vào tháng 6/2024 cho thấy xu hướng thu hẹp của vốn, cũng như môi trường đầu tư quốc tế đang gặp khó khăn.
Nhận định về tình hình hoạt động đầu tư nước ngoài và tác động tới toàn cầu hóa, nhật báo Les Echos cho biết dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trên toàn thế giới đã giảm trong năm 2023. Những dự án lớn nhằm huy động vốn để phát triển kinh tế và xã hội đang gặp khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm. Đặc biệt, lần đầu tiên sau 10 năm, Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm đầu tư nước ngoài.

Xung đột ở Ukraine, căng thẳng gia tăng tại Trung Quốc và quá trình chuyển đổi năng lượng đang cùng nhau định hình một bộ mặt mới cho toàn cầu hóa. “Sự phân mảnh về địa lý kinh tế đang định hình lại bối cảnh đầu tư toàn cầu. Các mạng lưới thương mại đang bị phân mảnh, các môi trường pháp lý trở nên khác biệt nhau và các chuỗi cung ứng quốc tế được điều chỉnh, sắp xếp lại”, bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nhận xét.

Báo cáo mới nhất về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu được công bố vào tháng 6/2024 cho thấy xu hướng thu hẹp của nguồn vốn này, cũng như môi trường đầu tư quốc tế đang gặp khó khăn. Năm ngoái, FDI đã giảm hơn 10% trên toàn cầu (1.300 tỷ USD) và 7% ở các nước đang phát triển (867 tỷ USD). Nguồn vốn tài trợ cho các dự án quốc tế, rất quan trọng cho sự phát triển cơ sở hạ tầng, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với mức giảm 26% xuống còn 396 tỷ USD.

FDI vào Trung Quốc sụt giảm

UNCTAD cũng nhấn mạnh về khủng hoảng trong đầu tư dành cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ), với mức giảm hơn 10% vào năm 2023. “Các dự án được quốc tế tài trợ trong năm 2023 ở hai lĩnh vực chính là hệ thống nông sản thực phẩm cùng với nước và vệ sinh môi trường, đã giảm rõ rệt so với năm 2015, khi SDG được thông qua”, bà Rebeca Grynspan cho biết.

Một điều đáng chú ý là trong khi vẫn giữ được vị trí quốc gia nhận được lượng đầu tư nước ngoài lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc đã ghi nhận một sự sụt giảm hiếm thấy trong các dòng vốn FDI. Năm 2023, FDI của nước này đánh dấu sự đảo chiều so với mức tăng trưởng được quan sát trong vòng 10 năm qua. 

Báo cáo chỉ ra rằng: “Mặc dù mối quan tâm từ các công ty đa quốc gia đối với việc khởi động các dự án đầu tư tại Trung Quốc đã suy giảm, nhưng quốc gia này vẫn dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và thương mại toàn cầu’’. Rõ ràng, các tập đoàn đa quốc gia đã có một thái độ cẩn trọng hơn đối với Trung Quốc.

Ví dụ, Apple đã giảm hoạt động tại Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi nước này. Ford và Honda cũng thu hẹp quy mô đầu tư. Trong khi, công ty hóa chất Đức BASF, các nhà sản xuất như Toyota, Volkswagen và BMW cũng như Samsung Electronics đã hạn chế quy mô hoạt động tại Trung Quốc. ‘‘Kể từ năm 2019, các tập đoàn đã giảm một nửa các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc để chuyển sang hợp tác với các nhà sản xuất địa phương, đặc biệt là trên thị trường xe điện’’, UNCTAD xác nhận.

Mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Á

Trong lĩnh vực bán dẫn và linh kiện điện tử, các công ty Hon Hai Precision Industry Co. (tên giao dịch Foxconn Technology Group) của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung Electronics của Hàn Quốc đã xem xét lại chiến lược của mình. Hon Hai Precision Industry giảm số dự án mới tại Trung Quốc từ 23 xuống còn 6, trong khi Samsung Electronics đã giảm từ 9 xuống còn 1. Cả hai công ty bắt đầu đầu tư vào các đơn vị sản xuất mới trên thị trường trong nước và các quốc gia khác như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. 

 
Khu vực châu Á cho đến nay là khu vực được hưởng lợi lớn nhất từ FDI, chiếm gần một nửa dòng vốn đầu tư toàn cầu. Xét cả về giá trị (+44%) và số lượng dự án đầu tư mới (+22%), khu vực này đã cho thấy sự năng động đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và ô tô. Tổng cộng có 6 trong số 10 dự án lớn nhất trên thế giới đã được đặt tại khu vực này. 

Tại Indonesia, một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, Tổng thống Joko Widodo vừa khánh thành nhà máy pin lớn nhất Đông Nam Á ở Karawang (Tây Java). Đây là kết quả của liên doanh giữa các công ty Hàn Quốc Hyundai và LG Energy Solution.

Khai thác mở đang phát triển mạnh

Do sự thúc đẩy của quá trình chuyển đổi năng lượng, số dự án đầu tư trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản quan trọng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Giá trị các dự án đầu tư quốc tế và các khoản đầu tư mới đã tăng lên đối với các dự án lớn trong các ngành nguyên liệu và khoáng sản quan trọng, cũng như trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydro xanh và amoniac xanh.

Điều này đặc biệt rõ với trường hợp ở Brazil và Chile. “Nhu cầu về nguyên liệu và khoáng sản thiết yếu tiếp tục thúc đẩy một phần đáng kể các khoản đầu tư mới trong khu vực. Ngành khai thác khoáng sản chiếm 23% giá trị các dự án trong hai năm qua, so với dưới 10% trong các lĩnh vực phát triển khác’’, UNCTAD nhấn mạnh.

UNCTAD cũng cho biết thêm: “Sự tăng trưởng của các khoản đầu tư trong các khoáng sản quan trọng cho chuyển đổi năng lượng và sự giảm của các khoản đầu tư mới trong khai thác dầu và khí đốt cho thấy mức độ mà các mục tiêu về khí hậu đang cấu trúc lại các mô hình đầu tư’’. 

Một phần ba các dự án mới trong lĩnh vực các khoáng sản quan trọng đã được các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, chủ yếu cho việc khai thác, chế biến và sản xuất các nguyên liệu dùng trong chuỗi cung ứng pin điện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục