Những quốc gia then chốt của tiến trình toàn cầu hóa mới

05:30' - 02/06/2024
BNEWS Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, toàn cầu hóa vẫn còn mong manh và phụ thuộc vào một số quốc gia trụ cột mới trong việc duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc kinh tế lớn.

Nhận định vị thế của các nước trung gian trong bối cảnh toàn cầu hóa mới, nhật báo Le Monde khẳng định bất chấp căng thẳng địa chính trị - đặc biệt là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc - và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ nhà nước, thương mại thế giới hầu như không suy yếu nhờ một loạt quốc gia đóng vai trò chuyển tiếp giữa các cường quốc kinh tế.

Nhìn từ Mexico, toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Các công ty từ khắp nơi trên thế giới đang được thành lập ở đó, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc, giáp biên giới Mỹ. Mattel, nhà sản xuất búp bê Barbie, đã đầu tư 47 triệu USD từ năm 2020 đến năm 2022 để biến nhà máy Monterrey tại Mexico trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới.

Công ty điện tử Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư 690 triệu USD vào Mexico trong 4 năm qua và hồi tháng Hai công bố mua một lô đất trị giá 27 triệu USD ở bang Jalisco để tăng cường sự hiện diện ở khu vực này. Đầu tư nước ngoài vào Mexico đạt kỷ lục vào năm 2023 với 36 tỷ USD.

Cùng với Việt Nam, Indonesia và cả Morocco, Mexico là một trong những nơi được gọi là “quốc gia kết nối”. Chính nhờ tính chất không liên kết nên Mexico đã trở thành kênh truyền dẫn cho quá trình toàn cầu hóa bị đình trệ bởi căng thẳng địa chính trị và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Hiện nay, thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn cầm cự được chủ yếu nhờ dòng vốn đã được định tuyến lại thông qua các quốc gia kết nối”. IMF cũng nhận định các nước này “có thể được hưởng lợi từ sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng tăng”.

Mexico đang tận dụng sự cạnh tranh thương mại gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ để tự khẳng định mình là thị trường trung gian. Kể từ khi cuộc chiến thuế quan giữa hai cường quốc bùng nổ vào năm 2018, Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào sản xuất của Mexico để tạo một đường vòng tiếp cận với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các khoản đầu tư này đã tăng gần gấp 10 lần từ năm 2017 đến năm 2022, từ 31,6 triệu USD lên 282 triệu USD, mặc dù chúng chỉ chiếm không quá 1% tổng số hàng năm của cường quốc lớn thứ hai thế giới.

 

"Gã khổng lồ" về điện tử và thiết bị gia dụng Trung Quốc Hisense đã công bố vào năm 2021 khoản tài trợ 260 triệu USD cho một nhà máy ở Monterrey. Nhà sản xuất ô tô điện lớn thứ hai thế giới là công ty BYD của Trung Quốc cũng đang để mắt đến thị trường Bắc Mỹ và đã bày tỏ kế hoạch thâm nhập vào đó. Theo công ty SiiLA chuyên về bất động sản thương mại, 2/3 số công ty Trung Quốc có mặt ở Mexico tập trung ở ba khu công nghiệp Monterrey, Saltillo và Tijuana, nằm dọc biên giới với Mỹ. Một vị trí ít gây nghi ngờ về thị trường mà họ đang nhắm tới.

Sự gần gũi cũng quan trọng như sự linh hoạt về chi phí

Mexico có chung đường biên giới với Mỹ và là thành viên của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Giữa Monterrey và Laredo (Mexico), đường cao tốc và cầu vượt đang được mở rộng để giảm bớt dòng xe tải hướng về  phía bên kia biên giới: Bang Texas (Mỹ).

Các công ty Mỹ đã học được bài học từ những cuộc khủng hoảng gần đây. Thay vì chờ đợi hàng tháng cho các container bị mắc kẹt ở các cảng Trung Quốc, như trường hợp xảy ra trong đại dịch COVID-19, hoặc ở lối vào kênh đào Panama, nơi lưu lượng giao thông đã giảm do hạn hán, họ có xu hướng chấp nhận “chi nhiều hơn một chút” bằng cách tìm nguồn cung ứng từ nước láng giềng.

Vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Raquel Buenrostro Sanchez cho biết gần 400 công ty đã liên hệ với các chính quyền địa phương và liên bang để chuyển nhà máy của họ từ châu Á đến Mexico. Một tháng sau, Canada, Mỹ và Mexico đặt ra mục tiêu thay thế 25% lượng hàng nhập khẩu từ châu Á bằng cách sản xuất trên đất nước họ.

Những cuộc di dời công xưởng từ châu Á đang thúc đẩy sự phát triển của ngành điện tử ở Mexico, nơi ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 8,8% trong năm 2022 và 2023, so với mức chỉ 3,9% trong giai đoạn 2010-2019. Mexico thậm chí đã vượt qua Trung Quốc vào năm 2023 để trở thành đối tác thương mại toàn cầu lớn nhất của nước láng giềng rộng lớn phía Bắc.

Trong một thế giới bị rạn nứt bởi sự phân chia thương mại và địa chính trị, khoảng cách gần cũng quan trọng như sự linh hoạt về chi phí trong việc tổ chức chuỗi giá trị. Bà Julien Marcilly, nhà kinh tế trưởng của công ty GSA, nhận định: "Sự gần gũi không chỉ mang tính địa lý hay ngoại giao, mà còn là pháp lý, văn hóa hoặc ngôn ngữ". Đó là trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc. Từ năm 2017 đến năm 2022, thị phần xuất khẩu vào Mỹ của quốc gia Đông Nam Á này đã tăng từ 2% lên 4%. Trong cùng thời gian, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng từ 35% lên 40%.

Thị trường nội địa châu Âu lớn nhất thế giới

Các quốc gia kết nối cũng có thể đóng vai trò là cửa ngõ vào thị trường châu Âu, như Morocco, quốc gia đã nhận được khoản đầu tư đáng kể từ Trung Quốc trong những năm gần đây vào lĩnh vực ô tô, trong khi Brussels đe dọa tăng thuế hải quan đối với ô tô nhập khẩu từ cường quốc châu Á.

“Thị trường nội địa châu Âu là thị trường lớn nhất thế giới và do đó việc tiếp cận thị trường này là một lợi thế đáng kể có thể thương lượng”, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, Bruno Le Maire, giải thích như vậy hôm 22/5.

Ông hy vọng động thái này giúp áp đặt những quy định thương mại công bằng hơn đối cho các doanh nghiệp nội khối EU và các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này củng cố cho suy luận Morocco, nơi sản xuất 700.000 phương tiện mỗi năm, có thể đóng vai trò là tuyến đường vòng cho hàng hóa Trung Quốc bước chân vào châu Âu.

Ông Marion Jansen, người đứng đầu Vụ Nông nghiệp và Thương mại tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phân tích: “Với sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, các công ty đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung của họ, điều này tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các nước trung gian”.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Jansen cũng cho biết thêm rằng sự đa dạng hóa này có thể làm tăng chi phí sản xuất. Ông giải thích: “Chúng ta đang chứng kiến quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng bởi vì động lực của nó không còn chỉ là Trung Quốc mà còn là các quốc gia mới nổi khác như Indonesia hay Nam Phi."

Mặc dù vậy, toàn cầu hóa vẫn còn mong manh và phụ thuộc vào khả năng của các quốc gia trụ cột mới này trong việc duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc kinh tế lớn. Vào tháng Ba, trong chiến dịch tranh cử năm 2024, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế 100% việc nhập khẩu xe Trung Quốc lắp ráp tại Mexico nếu ông đắc cử.     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục