Đây là "thủ phạm" cướp đi sinh mạng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới

13:35' - 09/03/2017
BNEWS Theo WHO, môi trường sống bị ô nhiễm là “thủ phạm” cướp đi sinh mạng của 1,7 triệu em dưới 5 tuổi mỗi năm trên thế giới.

Thực trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên đáng báo động, khi nó tác động lớn đến sức khỏe và đời sống của con người đặc biệt là đối với trẻ nhỏ cũng như gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Thực trạng này đòi hỏi cả cộng đồng quốc tế phải thực hiện những biện pháp đối phó một cách hữu hiệu.

* Tác hại nặng nề

Ngày 7/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo về môi trường trong đó đánh giá những mối đe dọa đến từ những chất gây ô nhiễm môi trường như là hút thuốc bị động, phóng xạ từ ánh nắng mặt trời, nước không an toàn và rác thải điện tử.

Tổng giám đốc WHO Margaret Chan. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo của WHO cho biết môi trường sống bị ô nhiễm là “thủ phạm” cướp đi sinh mạng của 1,7 triệu em dưới 5 tuổi mỗi năm trên thế giới. Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO cho rằng môi trường bị ô nhiễm "gây tác hại đặc biệt nặng nề đối với trẻ nhỏ vì các bộ phận cơ thể và hệ miễn dịch của các em đang trong giai đoạn phát triển, nên rất dễ bị tổn thương trước không khí và nước bẩn".

Theo báo cáo của WHO, nhiều ca tử vong ở trẻ nhỏ là do mắc các chứng bệnh như tiêu chảy, sốt rét và viêm phổi. Do đó có thể ngăn chặn nhiều ca tử vong ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 5 năm tuổi bằng cách đảm bảo cho các em được hưởng nước an toàn và nhiên liệu nấu nướng sạch.

Chất gây ô nhiễm chính tồn tại trong không khí, là thủ phạm khiến mỗi năm có 570.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thiệt mạng. Không khí bẩn có thể làm chậm quá trình phát triển não và làm suy giảm chức năng hoạt động của phổi và gây ra bệnh hen suyễn. Về lâu dài, việc phải hít thở không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc các chứng bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc ung thư.

Cũng theo WHO, một trong những mối đe dọa môi trường mới nổi lên đối với trẻ em là rác thải điện và điện tử. Những thiết bị như điện thoại di động cũ nếu không được tái sử dụng đúng cách sẽ "khiến trẻ em có nguy cơ bị nhiễm độc tố, có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí tuệ, kém tập trung, phá hủy phổi và ung thư". Với tốc độ hiện nay, số lượng loại rác thải này có thể tăng 19% trong khoảng từ năm 2014 đến 2018.

Thông báo cũng nêu một số hóa chất có hại tác động đến sức khỏe trẻ em thông qua thực phẩm như là florua, chì và thủy ngân, cũng như các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và tia UV đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.

Trước đó, báo cáo “Thiệt hại do ô nhiễm không khí” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 1 vừa qua cho thấy, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng nghìn tỷ USD trong năm 2016. Báo cáo cho biết trong năm 2016, có khoảng 5,5 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, dẫn đến tổn hại nguồn lực lao động và làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 225 tỷ USD từ tổn thất về thu nhập của người lao động và hơn 5.000 tỷ USD từ thiệt hại phúc lợi xã hội.

* Vấn đề cấp bách

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt tại các đô thị không chỉ là vấn đề riêng của một quốc gia hay một khu vực mà đã trở thành vấn đề cấp bách đối với toàn cầu. Thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới trong thời gian qua đã có những tác động lớn đến môi trường, khiến môi trường sống của con người bị thay đổi và ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Ô nhiễm không khí là sự xuất hiện của các chất lạ trong không khí hay là sự biến đổi quan trọng trong thành phần khí quyển, bao gồm các dạng ô nhiễm khí, ô nhiễm bụi, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm phóng xạ. Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của con người, sinh vật và các hệ sinh thái khác. Đối với toàn cầu, ô nhiễm không khí gây ra các hiện tượng mưa acid, hiệu ứng nhà kính, suy giảm tầng ôzôn và biến đổi nhiệt độ trái đất.

Ô nhiễm môi trường là “thủ phạm” cướp đi sinh mạng của 1,7 triệu em dưới 5 tuổi mỗi năm trên thế giới. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Bảo vệ môi trường đô thị ngày càng có tầm quan trọng trong phát triển bền vững quốc gia, bởi dân số đô thị ngày càng tăng, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia ngày càng tập trung trong các đô thị. Năng lượng tiêu thụ ở các đô thị có thể chiếm tới 3/4 tổng năng lượng tiêu thụ của quốc gia, chính vì thế các vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng thường xảy ra ở các đô thị, đặc biệt là ở các đô thị lớn.

Những nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở các khu đô thị bao gồm khí thải của các phương tiện giao thông, các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp và hoạt động xây dựng. Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%.

Ngoài ra, nguyên nhân gây ô nhiễm còn do hoạt động phun nham thạch của núi lửa, cháy rừng, nhiên liệu hóa thạch, bụi, ô nhiễm nguồn nước và các chất ô nhiễm trên không.

Để đối phó với những nguy cơ trên, WHO khuyến cáo cần phải làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí, cải thiện nước sạch và hệ thống vệ sinh, phát triển công nghiệp xanh, thực hiện chiến dịch trồng cây xanh trong thành phố, phát triển xây dựng công trình kiến trúc xanh trong đô thị, hoàn thành việc di chuyển tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp gây ô nhiễm nặng ra ngoài thành phố, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa, đạo đức môi trường cho mọi người dân đô thị, chôn lấp và đốt cháy rác một cách khoa học, xây dựng thêm nhà máy tái chế chất thải, thực hiện đúng các luật giữ gìn môi trường, bảo vệ phụ nữ đang mang thai và xây dựng những môi trường an toàn cùng với việc thực hiện một số hành động khác được nêu trong kế hoạch hành động có tên "Đừng làm ô nhiễm tương lai của tôi! Tác động của môi trường đối với sức khỏe của con trẻ".

Bà Maria Neira (Ma-ri-a Nây-ra), Giám đốc Cơ quan phụ trách Sức khỏe cộng đồng, môi trường và những yếu tố xã hội của sức khỏe thuộc WHO, cho biết: "Đầu tư vào việc xóa bỏ những mối đe dọa của môi trường đối với sức khỏe, thông qua các biện pháp như cải thiện chất lượng nước hay sử dụng nhiên liệu sạch hơn, sẽ đem lại những lợi ít rất lớn về sức khỏe"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục