Đẩy lùi dịch COVID-19: Cần sự đồng lòng của mỗi người dân

21:06' - 20/08/2020
BNEWS Sau gần 7 tháng kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, Việt Nam đã bước qua mốc 1000 ca bệnh, trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận trên 22.610.867 người mắc ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sau gần 7 tháng kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, Việt Nam đã bước qua mốc 1000 ca bệnh, trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận trên 22.610.867 người mắc ở 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 791.676 người tử vong (tính đến 18h00 ngày 20/8/2020).

Tại Việt Nam, sau 99 ngày không ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 24/7 đã đánh dấu sự trở lại của SARS-CoV-2 trong cộng đồng với việc ghi nhận bệnh nhân 416 tại thành phố Đà Nẵng.

Và chỉ trong hơn 20 ngày, số người mắc COVID-19 mới đã lên tới 525 ca, lan ra 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó nhiều nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Dương, Hà Nội…, đưa tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 1007 ca; 25 trường hợp tử vong là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng.

Việt Nam đang ở "vùng trũng" của dịch bệnh

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã chủ động, sẵn sàng ứng phó trước sự trở lại của SARS-CoV-2. Trong những tháng ngày “bình yên”, không xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vẫn họp giao ban về công tác phòng chống dịch một lần/tuần.

Ngành Y tế và các bộ, ngành Trung ương như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin truyền thông… và các địa phương trong cả nước vẫn triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới.

Trong khoảng thời gian này, Việt Nam vẫn liên tục có những chuyến bay đón công dân Việt Nam thuộc đối tượng ưu tiên từ vùng dịch trở về nước.

Tất cả công dân Việt Nam trở về đều thực hiện nghiêm việc cách ly đủ 14 ngày để đảm bảo an toàn cho cộng đồng…

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên lưu ý: Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam như “cánh đồng trũng", ở bên ngoài nước đang dâng cao, sóng to, gió lớn, do vậy phải "bao đê cho chặt", bảo đảm an toàn.

Chỉ như vậy mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá về việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cho rằng đây là điều bình thường.

Bởi thực tế, nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Hệ thống giám sát y tế của Việt Nam hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện kịp thời các ca bệnh. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức cách ly, giám sát, truy vết, khoanh vùng dập dịch...

“Thời gian tới, chúng tôi không ngạc nhiên nếu Việt Nam xuất hiện thêm những ca bệnh mới trong cộng đồng. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ nhanh chóng phát hiện, cách ly, truy vết, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả”, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định.

Người dân đồng lòng cùng Chính phủ

Ngay khi ca bệnh 416 ở Đà Nẵng được công bố, ngay trong sáng 25/7, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành và thành phố Đà Nẵng bình tĩnh, kiên quyết, kịp thời xử lý các địa điểm, khu vực bệnh nhân này đã đến và sinh hoạt; “bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng…”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ y tế đặc biệt hỗ trợ Đà Nẵng tránh để lây lan trong cộng đồng; đồng thời đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chi viện nguồn lực chống dịch cho các địa phương.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo, điều hành tiếp tục hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị triển khai công tác kiểm soát dịch, trong đó hỗ trợ kiểm tra, giám sát việc thiết lập, lắp đặt khu điều trị dã chiến.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã hình thành các tổ “Giám sát phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng”, thực hiện tuyên truyền, theo dõi các trường hợp có triệu chứng hô hấp tại cộng đồng để kịp thời tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Chi viện cho Đà Nẵng chống dịch, Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ trên nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu... của các bệnh viện, viện lớn và các đội phản ứng nhanh của các tỉnh, thành phố... lên đến hàng trăm người vào hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và một số cơ sở y tế khác của Đà Nẵng, rồi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam... về điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục cử nhóm chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác giám sát, điều tra, truy vết và điều trị; đồng thời chỉ đạo 4 bệnh viện Trung ương hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm với tổng quy mô 70.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR…

Bộ Y tế cũng liên tục đề nghị các địa phương tăng tốc truy vết, xác minh, lập danh sách tất cả các trường hợp đến, lưu trú tại Thành phố Đà Nẵng từ ngày 1-28/7 đã trở về địa phương, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ, xét nghiệm và cách ly y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đến các khu vực có nguy cơ cao theo các thông báo của Bộ Y tế.

Các ngành chức năng đã thực hiện tìm kiếm, giám sát, rà soát hơn 10 ngàn bệnh nhân nội trú, trên 70 ngàn bệnh nhân ngoại trú ở Đà Nẵng và từ các tỉnh, thành phố đến khám ở các bệnh viện có ca dương tính tại thành phố Đà Nẵng; rà soát trên 14 ngàn người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; hỗ trợ các tỉnh, thành phố rà soát trên 800 ngàn người đi, đến trở về từ Đà Nẵng trong tháng 7/2020. Bên cạnh đó, truy vết 16 chuyến bay, 3 chuyến tàu và 3 chuyến xe khách có ca dương tính từ Đà Nẵng về các tỉnh, thành phố…

Đây là một khối lượng khổng lồ các công việc mà nếu không có sự quyết tâm chỉ đạo, sự nhất trí đồng lòng của người dân thì không thể thực hiện được.

Chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã được kiểm soát, hạn chế được việc lây lan rộng ra cộng đồng. Số trường hợp mắc COVID-19 mới ghi nhận giảm trong những ngày gần đây, từ 20 trường hợp/ngày xuống khoảng 10 trường hợp/ngày. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua phần lớn liên quan tới các bệnh viện và tiếp xúc gần (F1).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đến thời điểm này có thể khẳng định là chúng ta đã kiểm soát được dịch ở miền Trung. Trong thời gian tới, nếu không có những trường hợp phát sinh đột biến thì Bệnh viện Đà Nẵng cũng sẽ được gỡ phong tỏa”.

Tuy nhiên, tại Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn còn nguy cơ từ các trường hợp chưa được phát hiện, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng nhận định, tình hình dịch tại Hải Dương, Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Nhiều trường hợp bệnh được phát hiện nhưng chưa rõ nguồn lây và có khả năng lây lan rộng ra cộng đồng.

Kết quả phân tích gen cho thấy virus trên bệnh nhân 867 (có lịch sử di chuyển giữa Hà Nội và Hải Dương) tương đồng với virus gây bệnh đang lưu hành tại Đà Nẵng.

Mặc dù Hải Dương đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết như giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Hải Dương, phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, nhưng dự báo trong thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Vì vậy, Hà Nội, Hải Dương vẫn cần cảnh giác cao độ và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế…

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống dịch; phương án lập bệnh viện dã chiến tại một số tỉnh có nguy cơ lây nhiễm cao; sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh…

Đồng thời, công tác thông tin tuyên truyền cần được tiếp tục đẩy mạnh để người dân hiểu rõ dịch bệnh luôn có nguy cơ bùng phát, phải tuyệt đối cảnh giác, nâng cao ý thức phòng bệnh; cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch như Bluezone, NCOVI, thực hiện khai báo điện tử; nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là chúng ta đã bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt, đã huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc, chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội”.

Nhận định trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ở trong nước dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra các tỉnh, thành phố khác nếu các địa phương không khẩn trương, kịp thời, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vắc xin mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục