Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở Indonesia nhờ đường cao tốc

16:58' - 30/09/2019
BNEWS Sự xuất hiện các tuyến đường có thu phí đã làm thay đổi diện mạo kinh tế của các địa phương trên đảo Java, Indonesia.
Chất lượng của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được các cơ quan có chuyên môn giám sát chặt chẽ, đặc biệt là mặt đường. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Theo Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia (PUPR), tốc độ đô thị hóa ở Java – đảo đông dân nhất thế giới và là nơi tập trung 60% dân số của “đất nước vạn đảo” - sẽ được đẩy nhanh trong vài năm tới nhờ sự xuất hiện của các tuyến đường bộ cao tốc.

Phát biểu khai mạc hội thảo “Các thành phố châu Á: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm” được tổ chức hôm 30/9 ở Jakarta, Bộ trưởng PUPR, Basuki Hadimuljono, cho biết mạng lưới đường cao tốc có thu phí ở Java sẽ sớm hoàn tất trong 5 năm tới với việc xây dựng nhiều tuyến đường mới để bổ sung cho hành lang đường bộ xuyên Java chạy từ thành phố cảng Merak thuộc tỉnh Banten ở phía Tây Bắc đảo Java tới thành phố biển Probolinggo ở tỉnh Đông Java.

Ông Basuki nhấn mạnh: "Java sẽ trở thành “đảo đô thị hóa” được bao quanh bởi các tuyến đường cao tốc có thu phí. Nếu được quản lý đúng cách, đô thị hóa sẽ trở thành động lực tăng trưởng thay vì là gánh nặng".

Dự kiến, hành lang đường bộ xuyên Java sẽ được bổ sung một tuyến đường có thu phí ở bờ biển phía Bắc, kết nối thành phố Semarang - trung tâm của tỉnh Trung Java – với huyện Gresik thuộc tỉnh Đông Java.

Ngoài hành lang phía Bắc nói trên, dự án xây dựng một tuyến đường thu phí khác cũng được lên kế hoạch ở phía Nam đảo Java, kết nối quận Gedebage thuộc thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, với huyện Cilacap thuộc tỉnh Trung Java, trước khi kéo dài đến tận Yogyakarta.

Trên thực tế, sự xuất hiện các tuyến đường có thu phí đã làm thay đổi diện mạo kinh tế của các địa phương trên đảo Java. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ huyện Tulung Agung và thành phố Malang thuộc tỉnh Đông Java tới cảng Tanjung Perak ở Surabaya – thành phố lớn thứ hai của Indonesia sau Jakarta – đã bắt đầu tăng. Lĩnh vực giao thông vận tải cũng đang được hưởng lợi do thời gian di chuyển giữa các thành phố được rút ngắn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế của Indonesia. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tốc độ đô thị hóa tăng 1% có thể giúp nâng 6-10% thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 2% đối với Indonesia.

Theo thống kê, Indonesia hiện có 137 triệu người sống ở khu vực thành thị, tương đương 54% dân số. Dự kiến, số lượng cư dân thành thị của nước này sẽ đạt 68% dân số vào năm 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục