ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài 2: Hình thành các chuỗi liên kết

09:50' - 24/08/2019
BNEWS Đồng bằng Sông Cửu Long đang từng bước xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh:TTXVN

Song song với quá trình cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi, Đồng bằng Sông Cửu Long đang từng bước xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị, đảm bảo sự phát triển bền vững cho từng ngành hàng.
Tại An Giang, những năm gần đây chính quyền và nông dân đã nỗ lực xây dựng được các vùng chuyên canh nông nghiệp, tiến tới sản xuất công nghệ cao.

Năm 2018 đã có 47 doanh nghiệp thực hiện liên kết cánh đồng lớn thông qua 19 hợp tác xã, 31 tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 33.531 ha.
Thống kê cho thấy, An Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được vùng nguyên liệu nếp 25.000 ha (ở huyện Phú Tân); vùng chuyên canh xoài 3 màu theo tiêu chuẩn VietGAP ở 3 xã cù lao Giêng (huyện Chợ Mới);  vùng chuyên canh trồng chuối cấy mô, vùng chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao ở huyện Tri Tôn và vùng chuyên canh tôm càng xanh xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn).
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, để phát triển các vùng chuyên canh theo hướng bền vững đi vào chiều sâu có chất lượng, tỉnh An Giang đã quy hoạch các vùng chuyên canh theo hướng mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, củng cố và nâng chất các tổ chức hợp tác xã và tổ hợp tác; phát triển mô hình kinh tế hợp tác cho từng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung.
Với rau màu, An Giang tập trung phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về lĩnh vực sản xuất rau màu để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Song song với đó, tập huấn nông dân quản lý chất lượng rau, xây dựng vùng nguyên liệu rau an toàn và kiểm tra chứng nhận sản phẩm rau an toàn.

Bên cạnh đó, tập huấn nông dân thực hiện chế độ mã vạch nhằm truy xuất nguồn gốc rau, tiến đến xây dựng nhãn hiệu và xuất xứ sản phẩm cho vùng rau an toàn của từng địa phương.
Đồng Tháp có lợi thế là một trong những địa phương có sản lượng lúa gạo cao trong cả nước, với diện tích gieo trồng lúa cả năm hơn 520.000 ha, sản lượng bình quân đạt 3,32 triệu tấn, ngành hàng lúa gạo đem về giá trị hơn 15.000 tỷ đồng/năm.
Từ tháng 9/2018, Công ty Lương thực Đồng Tháp bắt đầu triển khai chuỗi liên kết gạo an toàn – tối ưu giá với thương hiệu “Ruộng nhà mình”. Đây được xem là bước đột phá tư duy hình thành mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, một chuỗi liên kết khép kín được kiểm soát, đưa sản phẩm từ tay nông dân tới tay người tiêu dùng.
Mô hình được sản xuất tại vùng trồng lúa theo hướng VietGAP thuộc dự án VnSAT - Đồng Tháp ở Hợp tác xã Tiến Cường (huyện Tam Nông) và Hợp tác xã Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh). Nguyên tắc chính tạo ra mối liên kết “Ruộng nhà mình” là phát triển thị trường trong nước, nhất là tập trung vào lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng, bỏ bớt khâu trung gian; chia sẻ lợi ích và rủi ro và xây dựng niềm tin khách hàng.
Ông Lê Thanh Hiệp – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông cho biết, vụ Đông Xuân 2019, đơn vị có 70 ha của 9 hộ dân tham gia mô hình “Ruộng nhà mình”.

Giống được thực hiện là giống lúa chất lượng cao - Đài thơm 8. Trong quá trình canh tác, nông dân không còn sản xuất lúa theo tập quán cũ xạ dày, sử dụng nhiều phân, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, nông dân phải sản xuất theo quy trình chuẩn, áp dụng các biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng.

Trồng mướp đắng an toàn ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) Ảnh : Nguyễn Văn Trí –TTXVN

Qua kiểm chứng sau vụ mùa, chất lượng hạt gạo được cải thiện rõ rệt, không chỉ vậy, nông dân đã giảm hơn 15% chi phí sản xuất so với sản xuất thông thường.

Đồng thời, trong chuỗi liên kết trực tiếp này, người nông dân còn được hỗ trợ 150 đồng/kg đối với lúa an toàn, nên thu nhập cải thiện hơn rất nhiều.
Ông Đặng Văn Khương, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho hay, tính đến đầu tháng 5/2019 đơn vị đã thu mua trên 700 tấn lúa của 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến và Tiến Cường. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ chất lượng khâu đầu vào và đầu ra với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Theo đó, giống sản xuất trong vùng nguyên liệu là giống xác nhận và quy trình canh tác được theo dõi, quản lý, lưu trữ bằng hình ảnh. Trước 10 ngày thu hoạch, toàn bộ sản phẩm sẽ được kiểm tra tại vùng nguyên liệu, xác định sản lượng và lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích chất lượng.
Theo ông Đặng Văn Khương, toàn bộ sản phẩm thu hoạch được bảo quản, chế biến, đóng gói tại nhà máy chế biến gạo cao cấp đạt chứng nhận ISO 9001:2015, HACCP, BRC và SA 8000 được gắn thương hiệu “Ruộng nhà mình” và đóng gói bao 5kg, 10kg hoặc 20 kg để tiêu thụ.

Bình quân mỗi tháng đơn vị cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 20 - 40 tấn. Dự kiến tới đây, công ty sẽ mở rộng thị phần tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm tăng diện tích liên kết với người dân.
Tương tự như Đồng Tháp, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung mở rộng chuỗi liên kết lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn, năm 2018 có hơn 20 doanh nghiệp /công ty đăng ký liên kết bao tiêu lúa với tổng diện tích liên kết hơn 13.000ha, tỷ lệ thu mua theo hợp đồng đạt 99,94%.

Đối với cây mía, các nhà máy đường  hằng năm đều có hợp đồng thu mua mía tại các vùng nguyên liệu với diện tích hơn 95% với  giá thu mua đảm bảo có lãi cho người dân. Đồng thời, Hậu Giang cũng khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ các loại trái cây và thủy sản.
Ở Bến Tre, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre chia sẻ, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân và tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thời gia qua tỉnh Bến Tre đã xây dựng và nhân rộng một số mô hình sản xuất, mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao gắn sản xuất với thị trường.

Đó là mô hình chuỗi giá trị lúa sạch Thạnh Phú của Hợp tác xã lúa - tôm Thạnh Phú, với 82 thành viên, tổng diện tích sản xuất gần 100 ha, với sản lượng khoảng 5 tấn/ha.

Mô hình tổ chức nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa thương phẩm nhằm xây dựng các tổ liên kết trên địa bàn các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam./.

>>>ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài 3: Phát huy vai trò kinh tế tập thể

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục