ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - Bài 4: Hiệu quả chưa đồng bộ

10:25' - 24/08/2019
BNEWS Chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung còn chậm, chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết giá trị.

Mặc dù đã đạt được những chuyển biến bước đầu nhưng chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung còn chậm, chưa  hình thành được nhiều chuỗi liên kết giá trị và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được cải thiện nhiều.

*Liên kết còn lỏng lẻo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định,  tăng trưởng nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn theo chiều rộng, tỷ lệ diện tích và giá trị sản xuất lúa gạo còn cao trong khi giá trị tạo ra thấp và thị trường bấp bênh.

Chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, phổ biến là sản xuất nhỏ, phân tán; liên kết, hợp tác sản xuất giữa các chủ thể để hình thành chuỗi giá trị chưa nhiều, sức cạnh tranh và giá tị gia tăng chưa cao.

Các mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún chưa có cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ để nhân rộng.

Kinh tế hợp tác có chuyển biến ở một vài địa phương nhưng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa thật sự nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc liên kết, các hợp tác xã gặp khó khăn về vốn và khả năng quản trị, tư duy sản xuất theo thói quen, không theo tiêu chuẩn cụ thể của một bộ phận nông dân.

Mặc dù đã nỗ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và xây dụng các chuỗi liên kết từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ nhưng nhiều địa phương cũng phải thừa nhận tình hình chung là chuyển đổi nông nghiệp chưa mang tính đồng bộ theo quy hoạch, nhiều nơi chuyển đổi một cách tự phát, khó kiểm soát và các chuỗi liên kết còn rất yếu.

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp còn xảy ra tình trạng đào ao nuôi cá tra và phát triển diện tích trồng cây có múi ngoài quy hoạch. Việc sản xuất ồ ạt chưa gắn với nhu cầu thị trường tiềm ẩn nguy cơ cung vượt cầu và gây ô nhiễm môi trường.  

Còn tại Hậu Giang đã có một số chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ cho lúa gạo, mía, cây ăn trái nhưng chưa có chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm thủy sản.

Về thủy sản, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 800 trại sản xuất tôm giống nhưng nằm rải rác khắp nơi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng con giống tạo ra không cao, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Tương tự, chất lượng con giống cũng là thách thức lớn của ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Hữu Lập Phó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre bày tỏ, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo Nghị quyết 120/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tổ chức sản xuất nông nghiệp phần lớn còn ở quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, thiếu liên kết dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao; sạt lở bờ sông, bờ biển còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế.

*Kinh tế tập thể còn yếu

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, mặc dù có những kết quả khả quan nhưng việc liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp còn thiếu bền vững, nhất là liên kết tiêu thụ.

Nguyên nhân là do ý thức tự cung – tự tiêu, lợi ích giá trị riêng chưa được thay đổi ở một bộ phận nông dân. Mặt khác, sự hạn chế về tiếp cận thông tin thị trường và hành lang pháp lý trong hợp đồng liên kết tiêu thụ chưa hoàn thiện và đang là rào cản lớn để hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết.

Nông dân phơi lúa Đông Xuân tại phường 4, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Không những vậy, nhiều hợp tác xã mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hay các nguồn quỹ tín dụng khác do không thể đáp ứng điều kiện thế chấp, trong khi hợp tác xã nông nghiệp chưa có tài sản riêng.

Bên cạnh đó, hợp tác xã nông nghiệp cũng đang phải chịu các loại thuế giống như một doanh nghiệp làm giảm thu nhập và gây khó khăn trong các hoạt động chi của đơn vị. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khả năng tồn tại của hợp tác xã nông nghiệp là rất thấp.

Được đánh giá là một trong những hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Đồng Tháp với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 26 tỷ đồng và hơn 1.000 hộ tham gia, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình ở huyện Thanh Bình hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, đa hình thức hợp tác.

Đơn vị này hiện có 8 dịch vụ hoạt động phục vụ sản xuất, mang doanh thu về hơn 4,6 tỷ đồng trong năm 2018, thu nhập bình quân của một lao động là 3,7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, ông Phạm Công Chính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình cho biết, khó khăn của hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là giá cả nông sản bấp bênh nên việc liên kết với nông dân còn gặp nhiều bất cập. Khâu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã với doanh nghiệp chưa thật sự bền vững; nhiều doanh nghiệp chỉ liên kết, bao tiêu theo thời vụ.

Thêm vào đó, các chính sách thuế còn ràng buộc việc hoạt động của hợp tác xã, các chương trình hỗ trợ cho hợp tác xã còn chậm, chưa xứng tầm, chưa kể việc vay vốn tín dụng của hợp tác xã còn rất khó khăn.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ, thành lập hợp tác xã được xem là giải pháp quan trọng để thưc hiện mục tiêu tổ chức sản xuất quy mô lớn và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản nhưng trên thực tế kết quả chưa đạt được như mong đợi.

Chỉ có khoảng 40% hợp đồng thu mua tiêu thụ lúa gạo giữa hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long và doanh nghiệp được thực hiện thành công, với các ngành khác tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.

Theo ông Lê Đức Thịnh, số lượng hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng đang tăng về lượng nhưng hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện nhiều. Nguyên nhân một phần là do đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn thiếu và yếu, đa phần chủ nhiệm, giám đốc hợp tác xã là nông dân hoặc kỹ sư nông nghiệp, thiếu nền tảng về quản trị, kinh doanh và thị trường.

Phần khác xuất phát từ cơ chế hỗ trợ, hợp tác xã hiện nay đều có quy mô nhỏ, vốn ít nhưng khó tiếp cận các nguồn vay để đầu tư cho sản xuất, hạ tầng thương mại phục vụ cho việc thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã./.

Bài cuối: Xây dựng chiến lược tổng thể

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục