Để doanh nghiêp tiếp cận được các hỗ trợ kịp thời, trước khi bị tổn thương

19:38' - 14/04/2020
BNEWS Ngày 14/4, tại Hà Nội, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội công bố báo cáo “Ảnh hưởng của COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp xã hội Việt Nam và nhu cầu hỗ trợ”.

Theo báo cáo của Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE) - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ở Việt Nam hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp xã hội đã đăng ký theo Luật Doanh nghiệp 2014 và 21.000 doanh nghiệp tạo tác động xã hội, doanh nghiệp xã hội chiếm khoảng 4% trên tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, được gọi chung là khu vực doanh nghiệp xã hội. Doanh nghiệp xã hội là một mô hình kinh doanh nhân văn, sử dụng mô hình kinh doanh để giải quyết vấn đề xã hội và môi trường cụ thể.

* 38% doanh nghiệp xã hội sẽ tạm dừng hoạt động và phá sản

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội cho biết: Tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp xã hội. Điều đáng lo ngại là phần lớn người lao động và người hưởng lợi trực tiếp từ các doanh nghiệp xã hội là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Ngày 10/4/2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ an sinh-xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Ngoài ra, nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cũng đang được thảo luận. Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội nhận thấy cần thiết phải có tiếng nói của khu vực doanh nghiệp xã hội để các hỗ trợ cần thiết cho người dân, cho doanh nghiệp được đến với đúng đối tượng cần ưu tiên và đúng thời điểm, trước khi nhóm doanh nghiệp dễ tổn thương này cũng như người lao động và đối tượng hưởng lợi của họ còn có khả năng chống cự.

Trong 3 ngày, từ ngày 10-12/4/2020, nhóm nghiên cứu Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội đã gấp rút thực hiện khảo sát “Ảnh hưởng của COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp xã hội và nhu cầu hỗ trợ với 30 phiếu trả lời từ các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, trong các lĩnh vực như: Thực phẩm; nông nghiệp hữu cơ; đào tạo, dạy nghề; đồ thủ công mỹ nghệ; du lịch bền vững.

Theo đó, Báo cáo đã cung cấp cái nhìn tổng thể về phản ứng của doanh nghiệp xã hội với dịch COVID-19; tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội; các kịch bản dự kiến về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội; tác động của dịch COVID-19 đến thực hiện sứ mệnh xã hội của các doanh nghiệp xã hội; mong muốn hỗ trợ và hành động có thể thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp xã hội.

Nếu tình hình như hiện nay và tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2020, ước tính có khoảng 46 nghìn người hưởng lợi của các doanh nghiệp xã hội và 990 nghìn người hưởng lợi từ các doanh nghiệp tạo tác động bị giảm về những hỗ trợ nhận được. Có khoảng 163 nghìn người hưởng lợi từ các doanh nghiệp xã hội và 3,5 triệu người hưởng lợi từ các doanh nghiệp tạo tác động không còn tiếp tục được nhận các hỗ trợ từ khu vực doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, 68% các doanh nghiệp xã hội vẫn nỗ lực duy trì hoạt động cho đến hết quý II/2020, tuy nhiên, nếu kịch bản dịch COVID-19 kéo dài đến hết quý III, con số tạm dừng hoạt động và phá sản dự kiến sẽ là 38%.

Cùng với những khó khăn về kinh doanh và dòng tiền, doanh nghiệp xã hội phải tập trung vào những vấn đề thiết yếu nhất của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, khác với doanh nghiệp thương mại thông thường, 41% doanh nghiệp xã hội vẫn nỗ lực không thay đổi, giảm thiểu các nỗ lực ảnh hưởng đến thực hiện sứ mệnh xã hội của mình, tiếp tục hỗ trợ các nhóm yếu thế trong tạo việc làm. Nếu dịch COVID- 19 kéo dài đến hết quý III/2020, 59% số doanh nghiệp xã hội sẽ phải tạm ngừng các hoạt động hỗ trợ nhóm hưởng lợi để tập trung hoàn toàn vào mô hình kinh doanh thương mại để sinh tồn.

* Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp

Để cùng chung tay chia sẻ với doanh nghiệp xã hội Việt Nam giai đoạn kinh tế khó khăn này, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần ghi nhận chính thức về tầm quan trọng của doanh nghiệp xã hội trong việc chia sẻ gánh nặng về an sinh và phát triển xã hội với khu vực công.

Chính vì vậy, việc tiếp cận gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ phê duyệt ngày 10/4 vừa qua có thể ưu tiên doanh nghiệp xã hội (người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính), người lao động trong các doanh nghiệp xã hội (với tư cách người lao động được hưởng các trợ cấp thất nghiệp, mất việc), người hưởng lợi của doanh nghiệp xã hội (hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Tuy nhiên, việc hướng dẫn chi tiết, đơn giản trong thủ tục, dễ tiếp cận vẫn là chìa khóa mà các doanh nghiệp xã hội đang cần từ các cơ quan quản lý Nhà nước để có thể tiếp cận được các hỗ trợ kịp thời, trước khi khu vực doanh nghiệp dễ tổn thương này còn trong khả năng chịu đựng được.

Kinh nghiệm quốc tế bao gồm Vương quốc Anh và Hàn Quốc cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có những hành động rất kịp thời về an sinh - xã hội cho doanh nghiệp và người dân nói chung. Tuy nhiên, thiếu vắng các chính sách dành riêng cho khu vực doanh nghiệp xã hội.

Bên cạnh đó, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp xã hội và các tổ chức xã hội dân sự nên lên tiếng thông qua vận động chính sách để các doanh nghiệp xã hội được nhận các cơ chế ưu đãi hoặc ưu tiên về thời gian nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ; kêu gọi tài trợ, hỗ trợ của cộng đồng để mua hàng và tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp xã hội hoặc người lao động, hoặc người hưởng lợi trực tiếp là nhóm yếu thế của doanh nghiệp xã hội.

Hình thức gọi vốn cộng đồng trong nhiều năm liền chưa có được sự chấp thuận của Chính phủ về cơ chế vận hành, cũng như sự đón nhận của cộng đồng, đây có thể là thời điểm tốt để Việt Nam bắt kịp các thông lệ quốc tế trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục